Ngày 15/2, chính phủ Nhật Bản thông báo GDP quý IV/2020 tăng trưởng 3%. Đây là quý thứ hai liên tiếp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng dương (5,3% trong quý III/2020). Kết quả quý IV tốt hơn hẳn so với dự báo của 24 chuyên gia kinh tế quốc tế theo khảo sát của Bloomberg.
Như vậy, tính cả năm 2020, nền kinh tế Nhật Bản suy thoái 4,8%, tốt hơn so với ước tính của các chuyên gia quốc tế. Kết quả năm 2020 của Nhật Bản cũng khá hơn cú ngã 5,7% hồi năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
“Động lực lớn nhất của tăng trưởng trong quý IV/2020 là xuất khẩu và tiêu dùng”, New York Times dẫn lời nhà kinh tế Toshihiro Nagahama thuộc Viện Nghiên cứu Dai-Ichi Life nhận định. Nhà kinh tế Izumi Devalier thuộc Bank of America Merrill Lynch mô tả tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2020 của Nhật Bản là “phi thường”.
Nhờ các biện pháp chống dịch quyết liệt của chính phủ Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tránh được những tổn thất nghiêm trọng mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hứng chịu vì đại dịch Covid-19. Thời điểm mùa thu năm ngoái, người tiêu dùng Nhật Bản bắt đầu đi du lịch, mua sắm và tới rạp xem phim.
Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trở lại trong hai quý cuối năm 2020. Ảnh: Bloomberg. |
Tác phẩm hoạt hình Demon Slayer: Mugen Train lập kỷ lục doanh thu phòng vé (hơn 392 triệu USD trên phạm vi toàn cầu). Các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đã kéo ngành du lịch nội địa gượng dậy. Những gói kích thích kinh tế quy mô lớn giúp các công ty duy trì hoạt động và người lao động giữ được việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản duy trì ở mức thấp 2,9% tính đến cuối tháng 12/2020. Thống kê của Teikoku Databank cho thấy số trường hợp doanh nghiệp phá sản giảm 6,5% trong năm 2020. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong ngày 15/2, chỉ số chứng khoán Nikkei chạm mốc 30.000 điểm lần đầu tiên sau 30 năm.
Chi tiêu của các doanh nghiệp cũng tăng. “Chi tiêu doanh nghiệp tăng nhờ xuất khẩu phục hồi. Nhật Bản đang trên đà phục hồi tốt”, Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế Hiroaki Muto thuộc hãng Sumitomo Life Insurance Co. nhận định.
Dù vậy, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura vẫn thận trọng cho rằng nền kinh tế Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi vòng nguy hiểm. Tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trung bình, và xuất khẩu có thể lao dốc nếu châu Âu và các thị trường quan trọng khác tiếp tục lao đao vì đại dịch Covid-19.
Triển vọng kinh tế Nhật Bản cũng phụ thuộc vào việc chính phủ sẽ duy trì các biện pháp giãn cách đến bao giờ. Số ca nhiễm Covid-19 đã giảm, do đó các chuyên gia kinh tế kỳ vọng Tokyo sẽ gỡ bỏ giãn cách tại một số khu vực trước ngày 7/3.
Mới đây, Thủ tướng Yoshihide Suga thông báo chính phủ sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine chống Covid-19 từ ngày 17/2. Các nhân viên y tế sẽ là đối tượng đầu tiên được tiêm chủng.