Ngày 25/8, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học Chính phủ và chính quyền địa phương, với trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. |
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, nội dung sửa đổi hai luật này tập trung vào việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và chính quyền địa phương theo hướng phân cấp mạnh. Xác định rõ chức năng nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, tránh chồng chéo như hiện nay. Đồng thời sửa các quy định liên quan đến việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện cũng như việc thí điểm hợp nhất, nhất thể hóa các cơ quan của Đảng và Nhà nước, đảm bảo tổ chức bộ máy hiệu lực hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân tốt hơn.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các luật trên là một trong những nhiệm vụ quan trọng và không dễ dàng, phải hoàn thành và trình Quốc hội trong năm 2019. Về nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND các cấp, theo ông Tuấn, cần tiếp tục hoàn thiện, phân biệt rõ hơn nữa giữa chính quyền đô thị, nông thôn và hải đảo.
Trong đó, quan điểm chung là giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện từ 2 xuống 1. Cùng với đó, số lượng Phó chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã sẽ được quy định lại cho phù hợp. “Quan điểm của tôi là cần nhiều cấp phó chứng tỏ là cấp trưởng yếu và ngược lại. Như ở Nhật và Singapore, mỗi cơ quan hành chính chỉ có một cấp phó”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho hay.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cũng cho rằng, việc giảm số lượng đại biểu HĐND một cách hợp lý, kiện toàn bộ máy gọn nhẹ là điều cần quan tâm. Ông cho rằng, tư tưởng ban đầu là cơ cấu đại biểu HĐND nhiều để nâng cao vai trò, vị thế và chất lượng hoạt động, nhưng thực tế không phải. HĐND dù đông nhưng lại không mạnh, cần cân nhắc, giảm bớt vì số lượng đại biểu HĐND các cấp rất đông. Hoạt động của HĐND theo kỳ họp, 1 năm 2 kỳ, quyết định nhiều vấn đề, nhưng qua thực tiễn hoạt động, đại biểu tham gia không đồng đều. Vì vậy, việc bố trí đông đại biểu HĐND chỉ gây lãng phí về công sức, thời gian và kinh phí.
Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia cũng ủng hộ việc tinh giản số lượng đại biểu HĐND. Ông lưu ý rằng, việc thiết kế bộ máy phải vì dân và phải kiên trì làm. “Đã đến lúc người dân không chịu được bộ máy cồng kềnh nữa”, ông Khiển nêu.