Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nên giảm 5K còn 3K?

Người dân ủng hộ đề xuất thay thế thông điệp 5K bằng 3K, trong khi đó chuyên gia cho rằng nếu 5K không cản trở cuộc sống thì nên tiếp tục duy trì.

"Nhiều lúc tôi quên mất 5K đầy đủ là gì, cứ nói 5K theo thói quen thôi", chị Nguyễn Quỳnh Hoa (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) nói với phóng viên trong lúc ngồi chờ bạn ở một quán cà phê tại quận 1 (TP.HCM).

Quán khá đông đúc, đóng kín cửa, mở điều hòa, khách hàng ngồi san sát nhau nói chuyện và không đeo khẩu trang. Kể từ sau Tết Nguyên đán, chị Hoa có một lịch trình tiếp xúc khá dày đặc. Gặp gỡ bạn bè, đối tác, rồi đi ăn cưới bù cho cả năm trước, trong đầu chị hầu như không còn khái niệm giữ khoảng cách hay tránh tụ tập đông người.

Người ủng hộ, người phân vân

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên mới đây đặt vấn đề một số điểm trong khuyến cáo 5K - khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế - có thể không còn phù hợp với bình thường mới, cần xem lại để hướng dẫn quy trình phù hợp. Cụ thể, khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế có thể làm được, nhưng khoảng cách, không tập trung thì không còn phù hợp với thực tế, khó áp dụng, kiểm tra.

Là người dân thành phố, chị Hoa rất tán đồng khi nghe đề xuất này. Đây là điều chị chưa bao giờ nghĩ đến do đã quá quen với 5K, nhưng cách giải thích nêu trên thuyết phục được chị.

Tại cơ quan của chị Hoa, mọi người vẫn chủ động đeo khẩu trang khi nói chuyện với người khác hay trong phòng họp kín, các chỗ ngồi cũng cách nhau khoảng 1 m. Nhưng nếu cùng ăn trưa thì tất cả lại bỏ khẩu trang, túm tụm "tám chuyện".

"Hàng quán giờ không giới hạn số người, ngồi bao nhiêu người cũng được. Khu vực công cộng như công viên, trường học cũng thấy nườm nượp người như bình thường cũ. Đúng là không còn thấy giữ khoảng cách gì nữa", chị chia sẻ quan điểm.

xem xet thong diep 5K anh 1

Học sinh trường Lê Đức Thọ khử khuẩn trước khi vào trường học. Ảnh: D.B.

Trong khi đó, TS Dương Trần Bình, Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TP.HCM), có quan điểm cẩn trọng hơn. Trong khi biến chủng mới đang lây lan với tốc độ nhanh chóng, diễn biến dịch phức tạp, ông Bình cho rằng sẽ tốt hơn nếu vẫn có thể giữ khoảng cách.

Dù vậy, ông cũng nhìn nhận thực tế các trường có diện tích nhỏ nhưng đông học sinh thì khó bảo đảm yếu tố này. "Các trường mà một lớp 40-50 em thì rất khó đảm bảo giãn cách theo quy định", ông Bình cho hay.

Vị hiệu trưởng này cho rằng 5K là việc phải làm, nhưng nếu giảm được một số yếu tố như bỏ tiêu chí về khoảng cách mà phù hợp với cấp độ dịch và tình hình chuyển biến tốt thì cũng tháo gỡ cho cơ sở giáo dục.

"Hiện, nhà trường luôn đảm bảo an toàn cho các con, nhưng nó chỉ hiệu quả nếu phụ huynh thực hiện hiệu quả đầu tiên như hạn chế cho con đến nơi đông người, đảm bảo 5K. Khi vào trường thầy cô làm tốt, nhà trường an toàn thì các con không bị ảnh hưởng", vị hiệu trưởng nói.

Nên giữ 5K nếu không cản trở cuộc sống

Theo hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về biện pháp phòng chống biến chủng Omicron, giữ khoảng cách (physical distancing) và không tụ tập (avoidance of crowds) vẫn được xem là yếu tố then chốt để giảm lây nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, WHO cũng nhấn mạnh các yếu tố thông thoáng, thông khí (ventilation), đeo mặt nạ, vệ sinh tay.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết khuyến cáo 5K của Bộ Y tế được lấy từ thông điệp của WHO. Các khuyến cáo này cũng khác nhau ở từng quốc gia căn cứ theo hướng dẫn kể trên và thực tế tại từng nước.

Trong đó, việc không tụ tập được hiểu là hạn chế tụ tập ở nơi khó thực hiện 5K tốt, ví dụ như tránh tới quán nhậu, quán cà phê - nơi mọi người đều không đeo khẩu trang. Còn việc giữ khoảng cách nghĩa là trừ trường hợp cần thiết phải tiếp xúc gần (như khám chữa bệnh), người dân nên hạn chế đứng/ngồi quá gần nhau.

"Tôi cho rằng thực ra khoảng cách vẫn cần thiết. Hướng dẫn mới của quốc tế vẫn yêu cầu giữ khoảng cách. Ngồi trong phòng kín giãn rộng được thì tốt hơn. Nếu được thì vẫn nên giữ 5K thay vì 3K", ông Dũng nêu quan điểm.

Chuyên gia cho rằng 5K không có nghĩa phải thực hiện tuyệt đối. Nếu cản trở cuộc sống thì có thể thay đổi linh hoạt. Nhưng nếu tuân thủ được mà không hại gì thì không nên vội vàng thay đổi.

xem xet thong diep 5K anh 2

Sau khi nới lỏng giãn cách, nhiều nơi tại TP.HCM khó đảm bảo yêu cầu giữ khoảng cách. Ảnh: Phương Lâm.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng trong y tế công cộng thì thông điệp nên thống nhất, tránh thay đổi nhiều lần.

Ông chia sẻ ngay khi Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo 5K, một số chuyên gia không hoàn toàn tán thành bởi cho rằng thiếu yếu tố thông thoáng khí. Đây là điều quan trọng hơn cả khử khuẩn nếu muốn tránh lây nhiễm trong không gian kín.

"Tôi biết thông thoáng thông khí là quan trọng nhưng tôi không hề có ý kiến là phải có 6K vì tôi rất ngại thay đổi các thông điệp chính trong y tế công cộng vì có thể khiến người dân bị rối", ông chia sẻ quan điểm.

Khuyến cáo 5K là thông điệp được Bộ Y tế công bố từ tháng 8/2020, khi dịch bùng phát mạnh trên cả nước. Cụ thể là: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế. Người dân được kêu gọi thực hiện khuyến cáo này từ đó đến nay để bảo vệ bản thân và hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Khuyến cáo 5K không còn phù hợp, nên xem xét lại?

Một số điểm trong khuyến cáo 5K như khoảng cách, không tập trung được đánh giá là không còn phù hợp với tình hình thực tế khi trẻ đã đến trường, doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Thu Hằng

Bình luận

Bạn có thể quan tâm