Tuyển futsal Việt Nam có 2 lần liên tiếp giành vé vào vòng 1/8 ở cả 2 lần đầu tiên World Cup. Đây là thành tích mà ngay cả các nền futsal hàng đầu châu Á như Iran, Nhật Bản, Uzbekistan cũng không làm được.
Ở World Cup 2021, tuyển futsal Việt Nam không thể giành quyền vào tứ kết. Thành tích này ngang bằng với các đại diện khác ở châu Á là Nhật Bản, Thái Lan, Uzbekistan. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng tuyển futsal Việt Nam có chất lượng ngang bằng những đội bóng này. Với điểm tựa là giải futsal vô địch quốc gia (VĐQG) cực kỳ phát triển, Nhật Bản hay Thái Lan đều đang có trình độ vượt xa tuyển futsal Việt Nam.
Nền futsal chưa chuyên nghiệp
"Trình độ của tuyển futsal Việt Nam còn thấp hơn Thái Lan nhiều bậc. Họ đã có giải chuyên nghiệp từ năm 2017. Vì vậy, giải đấu của họ cực kỳ chất lượng. Nếu nhìn ra Nhật Bản, Iran hay châu Âu, chúng ta còn quá nghiệp dư", ông Trần Anh Tú, trưởng đoàn futsal Việt Nam ở 2 kỳ World Cup liên tiếp, chia sẻ với Zing.
Trong khi các giải VĐQG của Thái Lan, Nhật Bản đều đã đi lên chuyên nghiệp thì Việt Nam vẫn còn hoạt động theo kiểu bán chuyên. Giải VĐQG futsal Việt Nam có 12 đội tham dự (bằng Nhật Bản) nhưng không thi đấu theo thể thức League (đá sân nhà - sân khách, vòng tròn 2 lượt tính điểm) như các giải nước bạn. Mỗi mùa giải VĐQG futsal Việt Nam thường chỉ kéo dài trong 3, 4 tháng, được chia làm 2 giai đoạn và các đội bóng thi đấu tập trung ở một địa điểm. Đây là một hạn chế rất lớn của giải VĐQG Việt Nam.
Phạm Đức Hòa, tuyển thủ futsal Việt Nam dự World Cup 2 lần liên tiếp, bày tỏ: "Giải VĐQG futsal của Việt Nam cần thi đấu theo thể thức League để nâng cao chất lượng giải đấu. Khi phải thi đấu theo thể thức hiện tại, cầu thủ căng sức để đá với mật độ 3, 4 ngày/trận. Điều đó khiến thể lực không được đảm bảo, dẫn đến chất lượng chuyên môn không được nâng cao".
HLV Miguel Rodrigo, người dẫn dắt tuyển futsal Việt Nam trong giai đoạn 2017-2019, cũng có cùng quan điểm với Đức Hòa. Ông nói: "Giải VĐQG của Việt Nam cần kéo dài 9 tháng như bóng đá 11 người chuyên nghiệp chứ không thể chỉ diễn ra trong vài tháng. Các cầu thủ cần thi đấu nhiều hơn. Nếu điều này không được áp dụng, futsal Việt Nam khó có thể trở thành nền futsal hàng đầu châu Á".
Đức Hòa mong muốn giải futsal VĐQG Việt Nam được tổ chức theo thể thức League. |
Với thể thức hiện tại, một mùa giải VĐQG futsal Việt Nam sẽ có tổng cộng 90 trận đấu. Mỗi đội được thi đấu 18 trận mỗi mùa. Đây là một con số rất hạn chế. Trong khi đó, nếu tổ chức theo thể thức League, mỗi đội có thể được thi đấu 22 trận mỗi mùa.
Khi khoảng thời gian không thi đấu của các cầu thủ kéo dài đến 8, 9 tháng, họ không thể lo cho cuộc sống chỉ bằng nguồn thu từ futsal. Nhiều cầu thủ sẽ phải đi làm những công việc khác để lo cho bản thân, gia đình. Từ đó, sự tập trung dành cho futsal không được duy trì tối đa.
Điều đáng khích lệ ở giải VĐQG Việt Nam hiện tại là chất lượng dần được cải thiện khi các trận đấu hấp dẫn hơn và khoảng cách trình độ giữa các đội bóng thu hẹp lại.
Ông Trần Anh Tú chia sẻ: "Trước đây, Thái Sơn Nam, đội bóng mạnh nhất Việt Nam, thường thắng dễ các đội bóng khác. Tuy nhiên, điều này không còn nữa. Họ giành chiến thắng khá vất vả và thậm chí là mất điểm trước các đối thủ trong nước. Đây điều cho thấy giải VĐQG Việt Nam dần tiến bộ".
Thành phần đội tuyển quốc gia tham dự World Cup cũng nói lên điều đó. Năm 2016, chỉ có 2 cầu thủ không khoác áo Thái Sơn Nam hoặc Thái Sơn Bắc được đến Colombia để thi đấu ở giải futsal lớn nhất hành tinh. Năm 2021, con số này là 6.
Khoảng trống ngoại binh
Ở bất kỳ giải VĐQG nào, dù futsal hay bóng đá 11 người, sự xuất hiện của các ngoại binh là điều rất quan trọng. Nhất là với những nền bóng đá còn non trẻ, những cầu thủ từ nước ngoài sẽ giúp chất lượng giải đấu được cải thiện.
Đức Hòa, cầu thủ futsal Việt Nam hiếm hoi được thi đấu ở châu Âu, chia sẻ: "Tôi mong muốn giải VĐQG Việt Nam có cầu thủ ngoại. Họ sẽ nâng chất lượng của từng trận đấu và là tấm gương để các cầu thủ trong nước noi theo. Điều này rất có lợi cho sự phát triển của futsal Việt Nam". Đây cũng là quan điểm của HLV Rodrigo.
Ở Việt Nam, chỉ có Thái Sơn Nam là sở hữu ngoại binh. Tuy nhiên, họ chỉ được sử dụng ngoại binh khi thi đấu tại AFC Futsal Club Championship, giải đấu dành cho các CLB futsal hàng đầu châu Á. Thái Sơn Nam cũng rất thành công ở giải đấu này khi từng giành ngôi á quân vào năm 2018 và hạng 3 vào các năm 2015, 2017, 2019.
Việc được thi đấu với các ngoại binh thường xuyên sẽ giúp các tuyển thủ futsal Việt Nam có thêm kinh nghiệm ở những giải đấu lớn. Ảnh: VFF. |
Không chỉ ngoại binh, giải VĐQG futsal Việt Nam cũng cần sự đóng góp của các HLV nước ngoài. HLV Rodrigo nhận xét: "Tuyển futsal Việt Nam đã có 2 lần liên tiếp vào vòng 1/8 World Cup. Điều đó có nghĩa là họ đã tập luyện chăm chỉ và thi đấu tốt. Họ cần được hướng dẫn thêm bởi các HLV nước ngoài vì hiểu biết về futsal của các HLV Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. Họ cần giữ được đà tiến bộ như thế này. Đừng bao giờ cảm thấy đủ bởi điều này sẽ khiến nền futsal Việt Nam chậm tiến".
Tuy nhiên, khi cơ chế hoạt động của giải futsal VĐQG vẫn chưa thể đi lên chuyên nghiệp, việc sử dụng ngoại binh là điều không thể. Theo ông Trần Anh Tú, nhiều CLB ở Việt Nam vẫn chưa đạt tiêu chuẩn nên VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) không thể nâng tầm giải đấu lên chuyên nghiệp. Chặng đường lên chuyên nghiệp của giải futsal VĐQG Việt Nam sẽ còn rất dài.
Bài toán đào tạo trẻ
Theo Đức Hòa, trong thành phần tuyển futsal Việt Nam tham dự World Cup 2021, chỉ có Nhan Gia Hưng, Châu Đoàn Phát hay Nguyễn Minh Trí được ăn tập từ nhỏ để theo đuổi con đường futsal chuyên nghiệp. Phần lớn các cầu thủ rẽ sang futsal sau khi tập luyện, thi đấu ở sân chơi 11 người hoặc bước lên từ những giải phủi.
Rõ ràng, Gia Hưng, Đoàn Phát hay Minh Trí đều đã chứng minh được tầm quan trọng của đào tạo trẻ. Minh Trí tỏa sáng ở World Cup 2016 năm 20 tuổi, duy trì đẳng cấp của pivo (tiền đạo trong sơ đồ 3-1 của futsal) hàng đầu Việt Nam. Ở World Cup 2021, Đoàn Phát, cầu thủ sinh năm 1999 cũng thi đấu cực kỳ chững chạc và có được 2 bàn thắng, 1 kiến tạo. Trong khi đó, Gia Hưng cũng chơi chắc chắn với vai trò của một fixo ở độ tuổi 19.
Ở World Cup 2021, một cầu thủ khác cũng tỏa sáng rực rỡ và được đánh giá là tương lai của futsal Việt Nam là Nguyễn Văn Hiếu. Anh chỉ mới chơi futsal 3 năm nhưng đã có 2 năm khoác áo đội tuyển dù không được ăn tập bài bản. Tuy nhiên, những trường hợp như Văn Hiếu là rất hiếm có. Vì vậy, tuyển futsal Việt Nam vẫn cần nguồn cầu thủ được ăn tập bài bản để nâng chất lượng.
Nhan Gia Hưng, cầu thủ được ăn tập bài bản ở CLB Thái Sơn Nam, sẽ là nhân tố hứa hẹn ở tuyển futsal Việt Nam. Ảnh: VFF. |
Ông Trần Anh Tú cho biết chỉ có Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc và vài CLB khác ở Việt Nam đang sở hữu chương trình đào tạo trẻ. Vì vậy, nguồn cung cấp cầu thủ chất lượng cho giải VĐQG cũng như đội tuyển quốc gia là không nhiều.
Con đường để đến tuyển futsal Việt Nam của các cầu thủ được đào tạo bài bản như Đoàn Phát, Gia Hưng sẽ dễ dàng hơn. Thậm chí, Đoàn Phát còn được tạo điều kiện tập luyện cùng tuyển futsal Việt Nam khi mới 16 tuổi nhờ tài năng nổi bật ở lò đào tạo của CLB Thái Sơn Nam.
Khi có một hệ thống đào tạo trẻ bài bản, việc lên kế hoạch để đi tập huấn ở các nền futsal phát triển cũng dễ dàng hơn. Ở CLB Thái Sơn Nam, các cầu thủ có trình độ như Đoàn Phát, Gia Hưng, đều được gửi sang Tây Ban Nha tập huấn.
Bên cạnh đó, nếu nhiều đội bóng có hệ thống đào tạo trẻ, futsal Việt Nam có thể tổ chức những giải đấu trẻ để tạo môi trường cọ xát. Việc được thi đấu nhiều ở các giải đấu trẻ sẽ giúp cầu thủ có thêm nhiều kinh nghiệm.
Lọt vào vòng 1/8 World Cup 2 lần liên tiếp cho thấy nền futsal Việt Nam thực sự có những tiến bộ chứ không phải là may mắn. Tuy nhiên, để có thể tiến xa hơn, chúng ta còn rất nhiều điều phải làm. Trong đó, điều đầu tiên cần tiến đến là chuyên nghiệp hóa nền futsal.