Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nên đổi ảnh đại diện Facebook ủng hộ Paris hay không?

Không chỉ tại Việt Nam, cộng đồng mạng thế giới cũng xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng việc Facebook đang thiên vị nước Pháp, "bỏ quên" nhiều nơi khác đang trong cảnh tồi tệ.

Sau khi Facebook tung ra tính năng đổi màu ảnh đại diện (avatar) có màu cờ nước Pháp và công cụ check-in thông báo an toàn (Safety check), cộng đồng người dùng mạng xã hôị này đã nhanh chóng hưởng ứng và lan truyền, trong đó có Việt Nam. "Hơn một nửa danh sách bạn bè của mình đã đổi avatar ủng hộ Paris", Đặng Dung, một người dùng Facebook tại TP HCM cho biết. 

Nhiều fanpage chia sẻ quan điểm phản đối việc quá "ưu ái" cho Paris mà không nghĩ đến nhiều nơi khác cũng đang trong cảnh loạn lạc. 

Tương tự như Dung, Nguyễn Vũ Thanh, sinh viên năm cuối một trường Đại học tại TP HCM cũng đổi ảnh đại diện có hình tháp Eiffel như một cách để bày tỏ sự quan tâm đến một sự kiện gây chấn động. Ngoài việc thay avatar, Thanh cũng liên tục sử dụng các hashtag "prayforparis" để cập nhật thêm tin tức. "Mình chú ý đến thông tin xung quanh vụ khủng bố này, nhưng một số người trong danh sách bạn bè đã phản đối. Họ cho rằng có những nơi cần được quan tâm nhiều hơn, chẳng hạn như hằng ngày có hàng trăm người chết ở Trung Đông, hàng trăm người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam,..." Vũ Thanh chia sẻ.  

Bày tỏ quan điểm việc treo cờ Pháp hay không, anh Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion), một blogger nổi tiếng tại Hà Nội cho rằng lý luận:  "Có nhiều nơi thương vong nhiều hơn Paris nhưng sao không treo cờ nước đó" là không sai, nhưng cũng không đúng. "Nó giống việc bất kỳ ai đó ra đường thấy người khác tiêu tiền vào đâu đó lại gào rống lên: "Sao không cho người nghèo? Mỗi ngày có bao nhiêu người chết vì đói?", anh viết lên trang Facebook cá nhân.

Blogger này cũng nói rõ quan điểm của mình, rằng ai cũng có thể làm điều gì họ thích, có thể ủng hộ bất cứ hoạt động nào cách xa ngàn km, điều này giúp ích cho xã hội và cho chính tâm hồn, tốt hơn là "những mớ phân tích trên bàn phím".  

"Hôm nay quá nhiều nhà đạo đức mạng đang bỉ bai, miệt thị những Facebookers đổi hình avatar 3 màu tưởng niệm nạn nhân khủng bố tại Pháp. Một số hình ảnh đại diện họ cho rằng 'không phù hợp' bởi tươi cười hay quần áo thiếu thốn", Hoàng Minh Trí, một cây viết nổi tiếng sinh sống ở Hà Nội, chia sẻ trên Facebook cá nhân. Theo anh, người dùng trên mạng xã hội đang ngày càng sa đà vào việc phán xét và cực đoan hoá các hình thức lễ nghi trên mạng với chuẩn mực và quan niệm văn hoá khác nhau để gây tổn thương lẫn nhau.

"Tôi cho rằng cảm xúc, ý thức chia sẻ mỗi cá nhân là quan trọng. Vô cảm à, dễ hơn nhiều ấy. Hậm hực với bất kể điều gì đều không tốt cho sức khoẻ", câu kết của một bài đăng từ Facebook Hoàng Minh Trí được nhiều người đồng tình và chia sẻ.  

Viết lên trang cá nhân, Nguyễn Phong Duy, một nhân viên văn phòng tại TP HCM, cho rằng đổi avatar chỉ là chuyện nhỏ. Điều này vốn không giúp gì cụ thể cho những nạn nhân ở Paris, nhưng nó cho thấy người ta không vô cảm trước đồng loại. "Dù có đổi avatar hay không, thảm hoạ cũng đã xảy ra. Và suy cho cùng, đó cũng chỉ là một tính năng của Facebook, không đáng để tranh cãi". 

Câu chuyện không chỉ ở Việt Nam

Ngay bên dưới bức ảnh đại diện có ba sắc màu cờ Pháp của Mark Zuckerberg - cha đẻ Facebook, người ta dễ dàng bắt gặp những ý kiến lật ngược lại vấn đề.

"Hôm qua có 100 người chết ở Lebanon, 500 người tử vong ở Palestine, 200 ở Yemen và năm ngoái có khoảng 400.000 người chết ở Syria,... Chẳng ai nói gì, cả thế giới im lặng. Và hôm nay Paris bị tấn công với 150 người chết. Cả thế giới như phát điên", bình luận nhận được 3.300 lượt thích của Al Eneze, một người dùng Facebook ở Arab Saudi.

CEO của Facebook khởi xướng phong trào đổi màu cờ Pháp trên Facebook. Trào lưu này được nhiều người hưởng ứng và không ít người phản đối. 

Tuy nhận được nhiều ủng hộ, nhưng ý kiến của Al Eneze cũng bị số đông "ném đá". "Tôi đồng ý rằng chúng ta nên quan tâm và lo lắng đến những nơi mà bạn kể trên, nhưng nên nhìn nhận rằng Pháp là một đất nước không thường xuyên xảy ra những trận tấn công như vậy, đó là lý do vì sao đây là vấn đề lớn. Pháp là một xử sở yên bình hơn nhiều", tài khoản Marcelo Martinez lên tiếng.

Ủng hộ ý kiến trên, nhiều cá nhân khác cũng cho rằng việc người dân vô tội bị tấn công ở một đất nước yên bình như Pháp cho thấy những kẻ khủng bố hành động không theo một chuẩn mực nào, và có thể nhiều quốc gia bình yên khác cũng bị tấn công tương tự Pháp. 

Phản hồi những ý kiến trên, Mark Zuckerberg cho rằng người dùng có quyền chất vấn vì sao Facebook bật tính năng Safety Check cho những người ở Pháp nhưng không phải những trận bom ở Beirut hay nhiều nơi khác.

"Cho đến hôm qua, chính sách của chúng tôi chỉ áp dụng Safety Check cho những thảm hoạ tự nhiên. Chúng tôi vừa thay đổi điều này và sẽ có kế hoạch mở Safety Check cho nhiều thảm hoạ do tác nhân từ con người. Chúng tôi quan tâm đến tất cả người dân và ai cũng như nhau. Facebook sẽ nỗ lực hơn để giúp mọi người vượt qua khó khăn hét mức có thể", Mark Zuckerberg bình luận ngay trên trang cá nhân.   

Facebook cho đổi avatar tưởng nhớ nạn nhân Paris

Mạng xã hội lớn nhất thế giới hỗ trợ người dùng cài đặt avatar in mờ màu quốc kỳ nước Pháp để tưởng nhớ các nạn nhân vụ khủng bố tại Paris.

Thế giới Internet hướng về Paris Những phản ứng của người dùng online sau sự kiện khủng bố tại Paris đã chứng minh cho sức mạnh thật của thế giới ảo.

Duy Nguyễn

Bạn có thể quan tâm