Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nể phục tài năng của kỹ sư tự chế trực thăng'

“Khâm phục quá!", "Rất ngưỡng mộ tài năng của bác”… là cảm nhận của nhiều độc giả về tài năng của kỹ sư tự chế trực thăng ở Bình Dương.

Thông tin về kỹ sư nông dân Bùi Hiển (69 tuổi, Bình Dương) tự chế thành công chiếc trực thăng bay an toàn ở độ cao 2 m mới đây chia sẻ trên Zing.vn thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

‘Dám nghĩ, dám làm… thật đáng ngưỡng mộ'

Là một người trẻ, được đào tạo bài bản qua trường lớp, bạn Hieu Pham tỏ ra khâm phục tài năng của người đàn ông này: “Khâm phục bác! Cháu thuộc thế hệ trẻ, năng động, được đào tạo bài bản qua trường, lớp mà chưa làm được. Bác là kỹ sư nông dân mà chế tạo được một chiếc trực thăng có thể bay được là quá giỏi”.

"Người nông dân Việt Nam là đây! Dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh, dám đương đầu với khó khăn, thách thức! Chú là niềm tự hào của đất nước!", là ý kiến của độc giả Thanh Thủy trước sản phẩm của kỹ sư Bùi Hiển.

Bắt tay thực hiện ý tưởng từ nhiều năm trước, năm 2014, sáng kiến tự chế máy bay của kỹ sư quê Bình Dương cũng nhận được nhiều sự đánh giá cao. Ông được mệnh danh là “cha đẻ” của máy bay trực thăng Việt Nam. Tuy nhiên, chiếc trực thăng đầu tay của kỹ sư này còn nhiều hạn chế, không thể cất cánh.

Nhược điểm này thôi thúc kỹ sư “hai lúa” chế tạo chiếc trực thăng thứ hai khắc phục những hạn chế đó. Sau gần 2 năm nghiên cứu, thực hiện với niềm đam mê cháy bỏng và sự cố gắng không ngừng, ông đã đem lại thành tựu đáng nể. Chiếc trực thăng tự chế lần này của ông được đánh giá là một "siêu phẩm" khi có thể cất cánh, bay an toàn với độ cao 2 m.

truc thang tu che anh 1
"Siêu phẩm" trực thăng tự chế của kỹ sư nông dân Bùi Hiển. Ảnh: Lê Quân.

Không giấu nổi niềm tự hào, bạn đọc Hồng Thạnh bày tỏ: “Đối với cháu, sản phẩm đầu tiên của bác đã là một thành công. Vậy mà bác còn có tinh thần học hỏi và sự cố gắng không ngừng. Tất cả đã được chứng minh bằng sản phẩm tuyệt vời này! Chiếc máy bay đã thực sự có thể cất cánh. Chứng tỏ Việt Nam ta có rất nhiều nhân tài”.

“Khâm phục chú Hiển quá! Nhiều chi tiết phức tạp mà chú vẫn làm được. Hy vọng các kỹ sư, nhà khoa học của Việt Nam có trình độ để thẩm định, cấp phép và đăng ký bản quyền cho chú. Chúc chú sức khỏe để có thể làm chiếc máy bay này để có thể ứng dụng vào đời sống một cách hoàn hảo nhất”, Hoàng Tuyên viết.

Trân trọng sự cố gắng, nỗ lực của kỹ sư nông dân này, bạn đọc Trần Cường chia sẻ: “Chúng ta nên trân trọng những gì anh ấy làm được. Anh đã khắc phục được những điểm yếu của chiếc máy bay trước để hoàn thiện hơn cho sản phẩm lần này. Tuy chưa ứng dụng nhiều vào thực tế nhưng chiếc máy bay này là bàn đạp để anh ấy thành công sau này”.

‘Cần quan tâm đến nhân tài hơn nữa!’

Sự sáng tạo, theo đuổi đam mê của những người không được đào tạo qua trường lớp tự chế thành công xe máy, ôtô và cả trực thăng được cộng đồng mạng quan tâm, ngưỡng mộ. Điều này khiến nhiều người mong muốn nhà nước ta cần đầu tư, chú trọng, quan tâm hơn nữa với những nhân tài đất Việt.

Thành viên Lan Hương nêu quan điểm: “Thiết nghĩ Nhà nước và Bộ Quốc phòng nên quan tâm và chăm chút cho những thiết kế như thế này của người dân. Khi đó, chúng ta mới có thể phát triển và tận dụng tối đa nguồn nhân lực, không bỏ phí nhân tài và có thể tự hào và phát triển Việt Nam, sánh với các cường quốc khác”.

Để chứng minh cho quan điểm của mình, nhiều độc giả cũng cho rằng, trên thực tế, nhiều người phát minh và chế tạo ra những máy móc có nhiều ứng dụng thực tiễn. Việc thiếu sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành khiến những sản phẩm của họ mau chóng bị lãng quên, phí hoài công sức, chất xám.

“Tiêu biểu là trường hợp của lương y Võ Hoàng Yên, ở Cà Mau. Ông đã cứu chữa hàng ngàn người khỏi những căn bệnh hiểm nghèo, không dựa trên liệu pháp khoa học hay thuốc men tốn kém. Nhưng nhiều người cho rằng ông lừa đảo, lợi dụng lòng tin”, độc giả Duc Hoang Ngoc viết.

Cùng suy nghĩ đó, bạn Nguyen Lam cũng cho hay, Việt Nam có khá nhiều người tài giỏi nhưng sự đầu tư và hỗ trợ chưa được đặt đúng chỗ.

"Ông Phan Đình Phương (Đà Nẵng) cũng có nhiều sản phẩm, thiết bị phòng cháy chữa cháy tự chế như ba lô chữa cháy, máy chữa cháy đẩy tay… Tất cả đều hiệu quả cao nhưng giá thành lại rất thấp. Ông từng được Mỹ, Nhật mời qua làm việc cũng như hỏi mua. Nhưng hiện tại, sản phẩm vẫn nằm kho nhiều năm nay”, độc giả này cho biết.

Đó cũng là mong muốn của nhiều độc giả khi cho rằng, việc công nhận thành quả và đầu tư cho các sáng kiến tích cực của người dân góp phần tạo nên động lực thôi thúc họ phát triển tối đa tài năng của bản thân.

"Trên thế giới, những ông trùm về các ngành, nghề này đều có điểm xuất phát như thế này thôi. Có đam mê là làm được tất cả. Chỉ cần có sự chú trọng đầu tư, mình nghĩ những người như này sẽ là niềm tự hào của Việt Nam", thành viên Phan Trần chia sẻ.

Nguyễn Thơm

Bạn có thể quan tâm