Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang nghiên cứu biện pháp nhằm đối phó với "những hoạt động đang gia tăng" của tàu ngầm Nga, theo Sputnik.
Trong tháng 9, hải quân nhiều nước thành viên NATO như Bỉ, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Anh và Mỹ tiến hành diễn tập quân sự ngoài bờ biển Bồ Đào Nha nhằm nghiên cứu các kỹ thuật giám sát và phát hiện tàu ngầm đối phương. Tàu ngầm "kẻ địch" trong nhiều bài diễn tập này được mô phỏng theo lực lượng của Nga.
Hàng chục hệ thống được thử nghiệm trong các đợt diễn tập tháng 9. Trong một hoạt động, hải quân NATO còn triển khai thiết bị lặn không người lái REMUS 600 để tìm kiếm và phát hiện tàu ngầm.
Tàu ngầm Kolpino của hải quân Nga, chạy bằng điện-diesel, xuất hiện trong buổi diễn binh mừng ngày truyền thống lực lượng tại quân cảng Kronstadt. Ảnh: Sputnik |
REMUS (Thiết bị giám sát môi trường từ xa) được phát triển bởi Viện Hải dương học Woods Hole của Mỹ và Phòng thí nghiệm Các hệ thống Hải dương học (OSL). Phiên bản REMUS 600 có đường kính 32,4 cm và có thể lặn đến độ sâu khoảng 600 m.
Phiên bản do hải quân Mỹ sử dụng được gọi là "Cá vua" Mk 18 Mod 2 với radar sonar quét sườn, video hướng xuống cùng nhiều nâng cấp khác. Thiết bị này có thể di chuyển dưới nước với vận tốc tối đa là 9,3 km/h, hoạt động liên tục 70 tiếng ở vận tốc 5,6 km/h.
Trong thời gian qua, NATO từng thừa nhận lực lượng không có đủ tàu hiện đại với hệ thống radar sonar để phát hiện tàu ngầm đối phương. Hạm đội hiện tại của NATO không có năng lực kiểm soát các vùng biển thế giới để dự báo chính xác những vụ không kích phủ đầu tiềm năng.
Nhiều chuyên gia cảnh báo những lo ngại mới nhất của Mỹ và NATO về chiến tranh tàu ngầm có thể trở thành cớ để các nước tiếp tục đổ hàng trăm triệu USD vào lĩnh vực quốc phòng.