Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự gồm 29 thành viên, được thành lập 70 năm trước để chống lại mối đe dọa từ Liên Xô khi đó.
Song giờ đây, một cường quốc quân sự khác đang trỗi dậy trước mắt họ: Trung Quốc.
Cường quốc quân sự đang trỗi dậy
Khi các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu đầu chính phủ 29 nước NATO cùng có mặt tại Anh hôm 3/12 để tham dự hội nghị kéo dài hai ngày, quan hệ địa chính trị đang thay đổi và các thách thức mới xuất hiện trở thành trọng tâm thảo luận. Các hội nghị trước đây đều bị chi phối bởi mối đe dọa từ Nga, đối thủ cũ của liên minh, sau khi Moscow sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhà lãnh đạo trong nhóm nghĩ rằng liên minh hiện nên tập trung vào các cường quốc quân sự mới và đang trỗi dậy, như Trung Quốc, theo CNBC.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các đại biểu tại sự kiện "NATO Engages" ở London vào tối 3/12 rằng lần đầu tiên Trung Quốc được đưa vào chương trình nghị sự của NATO.
"Sự trỗi dậy của Trung Quốc mang đến những bài học về an ninh cho tất cả các đồng minh. Có một số cơ hội rõ ràng nhưng cũng có một số thách thức rõ ràng", ông Stoltenberg nói tại sự kiện, đồng thời bổ sung rằng các đồng minh cần phải tìm ra "một cách cân bằng" để đối phó với thách thức từ Trung Quốc.
Sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc khiến NATO phải dè chừng. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, ông cho biết hiện không có kế hoạch cho việc thiết lập cái gọi là "Hội đồng NATO - Trung Quốc", tương tự như Hội đồng NATO - Nga (NRC) được thành lập năm 2002 để cải thiện đối thoại và hợp tác giữa NATO và Nga.
"Những gì chúng ta thấy là sức mạnh đang lên của Trung Quốc đang làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu và sự trỗi dậy của Trung Quốc - về kinh tế lẫn quân sự quân sự - mang đến một số cơ hội nhưng cũng đặt ra một số thách thức nghiêm trọng", ông Stoltenberg nói.
"Chúng tôi phải giải quyết một thực tế là Trung Quốc đang tiến đến gần chúng tôi hơn, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng. Chúng tôi thấy họ ở châu Phi, chúng tôi thấy họ ở Bắc Cực, chúng tôi thấy họ trên không gian mạng và Trung Quốc hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới", ông nói.
Theo ước tính của NATO, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc xếp thứ hai toàn cầu vào năm 2018. Hồi tháng 3, Trung Quốc đã thiết lập chi tiêu quốc phòng năm 2019 cao hơn 7,5% so với năm trước, tăng lên đến 1,19 nghìn tỷ nhân dân tệ (177,61 tỷ USD), theo số liệu được công bố (một số người tin rằng con số thực tế có thể cao hơn).
Tuy nhiên, con số này vẫn thua xa Mỹ. Hồi tháng 4, Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu quốc hội chi 718 tỷ USD trong ngân sách tài khóa 2020, tăng 33 tỷ USD hoặc khoảng 5% so với mức quốc hội ấn định cho năm tài khóa 2019.
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã gia tăng liên tục dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, và Bắc Kinh đang phô bày "cơ bắp" kinh tế của họ khắp Thái Bình Dương và Trung Á thông qua siêu dự án hạ tầng "Vành đai và Con đường".
"Chỉ trong 5 năm qua, Trung Quốc đã bổ sung 80 tàu nổi và tàu ngầm cho hải quân của mình - tương đương toàn bộ Hải quân Hoàng gia Anh. Họ có hàng trăm tên lửa với tầm bắn bị cấm theo hiệp ước INF. Và gần đây họ đã giới thiệu một mẫu tên lửa hạt nhân liên lục địa tối tân có khả năng vươn tới Mỹ và châu Âu. Cũng như một loại tên lửa hành trình siêu thanh mới, các máy bay không người lái, tên lửa chống hạm và tàu lượn siêu vượt thanh", ông Stoltenberg nói.
Ông nói rõ rằng những thách thức này đã vượt ra ngoài phạm vi quân sự: "Trung Quốc đang trở thành người dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ mới. Từ 5G đến nhận diện khuôn mặt. Và từ điện toán lượng tử đến thu thập lượng dữ liệu toàn cầu khổng lồ".
Không tạo ra kẻ thù mới
Mỹ và NATO đang theo dõi Trung Quốc chặt chẽ. Ông Stoltenberg nói với CNBC hôm 2/12 rằng NATO không muốn "tạo ra những kẻ thù mới", và "miễn là các đồng minh của NATO sát cánh cùng nhau, chúng tôi mạnh mẽ và an toàn... Chúng tôi vẫn là mạnh nhất thế giới về quân sự cho đến nay".
Căng thẳng Trung - Mỹ đã gia tăng do tranh chấp thương mại giữa hai nước, dẫn đến việc đánh thuế nhập khẩu trị giá hàng tỷ USD lên hàng hóa của nhau, đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị ở Brussels, Bỉ, năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Đại diện thường trực của Hoa Kỳ tại NATO, Đại sứ Kay Bailey Hutchison, nói với CNBC hôm 2/12 rằng phần còn lại của thế giới đã lờ đi khi Trung Quốc không tuân thủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng giờ là lúc đưa Trung Quốc "vào trật tự dựa trên luật lệ".
"Giờ đây, họ đã trở thành đối thủ cạnh tranh, nhưng họ vẫn mong muốn có được sự đồng ý ngầm để không tuân thủ các quy tắc, đánh cắp công nghệ và tài sản trí tuệ", bà nói.
"Chúng tôi đã lờ đi cho họ làm vậy, giờ chúng ta không thể tiếp tục như thế. Họ là một đối thủ cạnh tranh. Một đối thủ cạnh tranh rất mạnh".
Bà Bailey Hutchison cho biết NATO đang xem xét hành động quân sự của Trung Quốc với sự tăng trưởng nhanh chóng đó. Đại sứ nói rằng cảnh giác là việc vừa mới mẻ vừa hoàn toàn hợp lý.
"Chúng tôi phải đối mặt với điều đó, và chúng tôi phải thấy nó rõ ràng. Chúng tôi có muốn Trung Quốc là kẻ thù không? Không, chúng tôi không muốn, nhưng chúng tôi phải chuẩn bị", bà nói.
Đại sứ cho biết vẫn chưa đến lúc tuyên bố Trung Quốc là kẻ thù và nên tiếp tục các nỗ lực để đưa nước này thành một đối tác thương mại lớn mạnh và bình đẳng.
Đối trọng cần thiết
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng trước cũng tỏ ra thận trọng đối với việc xác định Trung Quốc là kẻ thù của NATO, nói "kẻ thù chung, rõ ràng trong liên minh, là chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa các nước chúng ta".
Tuy nhiên, cả ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều kêu gọi các thành viên NATO hành động nhiều hơn để đối phó với sức mạnh đang lên của Bắc Kinh, trong bối cảnh liên minh 70 năm tuổi đang đối mặt nguy cơ rạn nứt nghiêm trọng.
Ông Macron đã cảnh báo NATO đang "chết não" do thiếu sự lãnh đạo của Mỹ cũng như bất đồng ngày càng gia tăng giữa Washington và các thành viên còn lại. Bình luận này đã bị ông Trump chỉ trích là "dơ bẩn" và "xúc phạm". Trước đó, tổng thống Mỹ nói NATO đã "lỗi thời".
Nếu NATO chưa lỗi thời - và đây chắc là cuộc tranh luận chưa có hồi kết - thì Trung Quốc có lẽ chính là loại đối trọng mà NATO cần đến để chứng tỏ liên minh vẫn còn giá trị đối với các nước thành viên, CNN bình luận. Song việc áp dụng chính sách nào với Trung Quốc đã gây chia rẽ các nhà lãnh đạo EU, với một số nước thành viên, đặc biệt là thành viên NATO như Italy, vui vẻ đón nhận tiền của Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong lễ diễu binh mừng quốc khánh Trung Quốc hôm 1/10. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Các nhà lãnh đạo NATO dự kiến ký một tuyên bố chung thừa nhận "các cơ hội và thách thức" mà Trung Quốc đem lại. Mặc dù ngôn ngữ của tuyên bố yếu hơn so với một số quốc gia mong muốn, đây có thể là khu vực càng ngày càng hiếm thấy nơi có nhiều đồng thuận hơn bất đồng trong nội bộ NATO.
Đầu năm nay, ngoại trưởng Đức nói "Trung Quốc là thách thức trong hầu hết mọi chủ đề, và điều quan trọng là phải hiểu rõ hơn những gì ngụ ý cho NATO". Anh và Canada, cả hai thành viên chủ chốt của NATO, cũng đang có cách tiếp cận ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Hôm 2/12, Nga và Trung Quốc đã khánh thành công trình đường ống dẫn khí khổng lồ trị giá hàng tỷ USD, khẳng định mối quan hệ kinh tế và chính trị ngày càng chặt chẽ giữa hai đối thủ của NATO: một đối thủ truyền thống và một của thế kỷ 21.
Sự gần gũi ngày càng gia tăng này phần lớn được thúc đẩy bởi Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc cũng có thể là điều khiến một NATO đang ngày càng mâu thuẫn xích lại với nhau.