AFP dẫn thông báo từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói hiệp ước của Liên Hợp Quốc đã bất chấp mối đe dọa ngày càng rõ ràng từ các nước, đặc biệt là từ Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
"Trong lúc thế giới cần chung tay đối mặt với những mối đe dọa, đặc biệt là từ Bình Nhưỡng, hiệp ước này đã không suy tính tới các thách thức an ninh mới", NATO nhận định.
Hội nghị soạn thảo hiệp ước toàn cầu về cấm vũ khí hạt nhân. Ảnh: AFP. |
Tổ chức với 29 thành viên cho biết Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân không có sự tham gia của các nước sở hữu loại vũ khí này sẽ không đem lại tác dụng đối với an ninh quốc tế.
NATO phản đối hiệp ước về vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên phát biểu tại tổ chức quốc tế này. Ông đe dọa sẽ hủy diệt Triều Tiên và gọi nhà lãnh đạo Kim Jong Un là "gã tên lửa".
Trước đó, Hiệp ước toàn cầu về cấm vũ khí hạt nhân đã được thông qua tại Liên Hợp Quốc ngày 7/7 dù vấp phải sự phản đối từ các cường quốc hạt nhân.
Tuy nhiên, không có nước nào trong số 9 nước có vũ khí hạt nhân - Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel - tham gia đàm phán hoặc bỏ phiếu. Ngay cả Nhật Bản - quốc gia duy nhất bị tấn công bằng bom nguyên tử vào năm 1945, cũng không tham gia.
Những cường quốc hạt nhân cho rằng kho vũ khí của họ đóng vai trò ngăn chặn tấn công và các nước này vẫn cam kết tiếp cận từng bước về giải trừ vũ khí được nêu trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Trong vòng vài giờ sau khi thông qua, Mỹ, Anh và Pháp đã bác bỏ hiệp ước và cho rằng hiệp ước này không phù hợp với môi trường an ninh quốc tế hiện nay.