NASA phát triển xe tự hành khám phá Bắc Cực
Khác với những mẫu xe tự hành từng được chế tạo, cỗ máy mang tên Grover của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) được ra đời với mục đích nghiên cứu những khối băng ở Greenland, cực Bắc trái đất.
Grover là cỗ máy bán tự hành sử dụng năng lượng mặt trời. Nhiệm vụ đầu tiên của Grover được bắt đầu ngày 3/5 và sẽ hoạt động liên tiếp cho đến hết tháng 8. Được phát triển từ năm 2010, Grover là sản phẩm của nhóm sinh viên thực tập tại Trung tâm Vũ trụ Goddard, Maryland, Mỹ theo đơn đặt hàng của NASA.
Xe tự hành khám phá địa cầu của NASA. |
Sở hữu chiều cao 2,7 m cùng trọng lượng 362 kg, chiếc xe thăm dò này được trang bị một radar xuyên đất, nhằm gửi sóng siêu âm vào các lớp băng và nhận tín hiệu phản hồi nhằm nghiên cứu đặc tính băng, lịch sử và cách thức hình thành cũng như khả năng tan chảy nếu có.
Khởi hành từ Trại Nghiên cứu khoa học trên đỉnh khối băng nằm ở Greenland, xe thăm dò địa cầu đầu tiên của NASA sẽ lang thang trong những khu vực rộng lớn. Vào mùa hè, mặt trời ở Bắc Cực chiếu rọi suốt 24 giờ nên xe tự hành đủ năng lượng để hoạt động suốt ngày. Dữ liệu mà nó thu thập được cùng các thông tin điều khiển hoạt động đều được truyền thông qua vệ tinh.
Trong suốt thời gian hoạt động, Grover sẽ tìm hiểu sự tích lũy băng tuyết ở Greenland. Những dữ liệu này sẽ được so sánh để xác định khối lượng băng bị tan chảy mỗi năm do biến đổi khí hậu. Cùng với đó, các nhà khoa học có thể xác định được sự đóng góp của quá trình băng tan ở Greenland đối với hiện tượng nước biển dâng cao.
Trên thực tế, băng tuyết ở Greenland là kho dự trữ nước ngọt khổng lồ trên trái đất. Nếu băng tuyết ở đây tan chảy, nó có thể gây ảnh hưởng đến sự thay đổi mực nước biển toàn cầu. Theo một nghiên cứu năm 2012, hiện tượng nóng lên toàn cầu cho thấy Greenland mất 22 tỷ tấn/năm (tương đương 22 km3).
Hồng Duy
Theo Infonet