NASA lập kế hoạch ‘bắt cóc’ tiểu hành tinh
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang triển khai kế hoạch táo bạo, nhằm bắt giữ một tiểu hành tinh đang lao nhanh trong không gian trước khi kéo nó về quỹ đạo mặt trăng để chờ con người lên khám phá.
Phi thuyền không người lái được sử dụng để bắt giữ tiểu hành tinh. |
Theo kế hoạch, tàu vũ trụ không người lái được phóng lên từ trái đất sẽ bắt giữ tiểu hành tinh được chọn khi nó đang lao đi với tốc độ chóng mặt trong không gian. Sau khi thành công, con tàu sẽ kéo tiểu hành tinh khổng lồ về quỹ đạo mặt trăng, vệ tinh duy nhất của trái đất để chờ con người lên khám phá.
Trên thực tế, tiểu hành tinh được chọn là một trong những vật thể bay gần trái đất vô cùng tiềm năng. Sở hữu đường kính 7 m với trọng lượng 500 tấn, tiểu hành tinh này có thể chứa đến 100 tấn nước, 100 tấn hợp chất, 90 tấn kim loại và 200 tấn silicat, những loại vật liệu có vai trò khá quan trọng trong cuộc sống con người.
Theo kế hoạch, tàu chuyên dụng 18 tấn sẽ được đưa lên vũ trụ nhờ tên lửa đẩy Atlas V của Mỹ. Khi đi vào quỹ đạo mặt trăng, nó sẽ sử dụng chính lực hấp dẫn từ vệ tinh duy nhất của trái đất để tạo lực đẩy đưa tàu vào khoảng không. Dựa vào tính toán cụ thể, phi thuyền chuyên dụng sẽ tới đúng điểm hẹn với tiểu hành tinh để tiến hành vụ “bắt giữ”.
Việc sử dụng nhiên liệu hóa học để tạo lực đẩy đưa tiểu hành tinh quay về quỹ đạo mặt trăng rất khó thực hiện nên phi thuyền đặc biệt sẽ sử dụng hệ thống đẩy bằng điện từ các tấm pin năng lượng mặt trời. Tuy là giải pháp dùng điện khá hiệu quả nhưng sẽ phải mất tới 6 năm để động cơ đẩy này có thể đưa phi thuyền và thiên thạch trở về quỹ đạo mặt trăng.
Theo dự đoán, chi phí của dự án này sẽ tiêu tốn khoản tiền lên tới 2,65 tỷ USD trong 10 năm triển khai dự án. Nhiều nguồn tin cho rằng, dự án này cũng đang nhận được sự ủng hộ của chính quyền Obama, với mục tiêu đưa các phi hành gia lên thám hiểm một tiểu hành tinh gần trái đất vào năm 2025.
Hồng Duy
Theo Infonet