Trước đây, trở thành phi hành gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) còn khó khăn hơn rất nhiều so với việc vào học tại Đại học Harvard lừng danh, nhưng chẳng bao lâu nữa, người bình thường, đặc biệt là các triệu phú đôla đều có thể trở thành phi hành gia vũ trụ, những người chịu chi tiền cho một tấm vé vào bay vào không gian, New York Times cho biết.
Hôm 6/6, NASA lần đầu công bố kế hoạch cho phép thường dân du lịch đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), nơi duy nhất mà con người có thể sinh sống có giới hạn ngoài không gian. Tuy vậy, cái giá để du lịch ngoài không gian không hề rẻ.
Hành khách sẽ phải chi trả khoảng 35.000 USD/đêm để trải nghiệm cảm giác ngủ trên giường, sử dụng internet, nhà vệ sinh và các thiết bị khác trên trạm ISS ở trạng thái không trọng lực. Nếu cộng thêm chi phí tên lửa đẩy và lợi nhuận cho công ty cung cấp dịch vụ, số tiền mà hành khách phải chi trả có thể lên đến hàng triệu USD.
Du lịch không gian là một trải nghiệm thú vị, nhưng không dành cho số đông. Ảnh: NASA. |
Thông báo hôm 6/6 là một trong những điều chỉnh mới cho phép các công ty khai thác ISS cho mục đích kinh doanh, điều mà lâu nay NASA không quan tâm. “Đây là một trong những cách để chúng ta kinh doanh”, William H. Gerstenmaier, trưởng bộ phận đưa con người thám hiểm vũ trụ của NASA nói trong một cuộc họp báo ở New York.
NASA sẽ cho phép một số liên doanh với tư nhân hoàn toàn vì mục đích thương mại, mà không yêu cầu về công việc giáo dục hoặc nghiên cứu khoa học ngoài không gian. Điều này có thể bao gồm việc đưa một số vật dụng lên không gian và bán đấu giá chúng trên Trái Đất.
Kế hoạch này cũng giúp giải quyết câu hỏi về tương lai của ISS. Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gây ra sự hỗn loạn khi đề xuất chấm dứt tài trợ liên bang cho trạm ISS vào năm 2024 và chuyển sang các giải pháp thương mại thay thế.
Các quan chức NASA cho biết mục tiêu của kế hoạch là chuyển đổi tiền đồn của con người cho các công ty tư nhân, nhưng không ấn định được thời gian cụ thể. “Chúng tôi hy vọng kế hoạch mới sẽ phát triển để một ngày nào đó các tổ chức tư nhân sẽ tiếp quản ISS. Chúng tôi sẽ không rút khỏi ISS cho đến khi chúng tôi có công việc khác, nên không thể ấn định thời hạn cụ thể”, Robyn Gatens, phó giám đốc trạm ISS nói.
NASA cũng đang tìm kiếm đề xuất lắp thêm một module vào ISS được sở hữu và vận hành bởi tổ chức tư nhân. NASA cho biết thêm việc khai thác ISS cho mục đích thương mại không phải vì lợi nhuận, mà giúp cơ quan này có thêm thu nhập để trang trải các khoản chi phí và đầu tư nhiều hơn vào các dự án khác. Mỗi năm NASA chi khoảng 3-4 tỷ USD cho trạm ISS.