"Hồ chứa lớn nhất ở Mỹ cung cấp nước cho hàng triệu người trên 7 tiểu bang, các vùng của người bản địa, và miền Bắc Mexico", NASA viết về các bức ảnh công bố hôm 20/7. "Hồ này bây giờ cũng là một minh họa rõ ràng về biến đổi khí hậu và hạn hán kéo dài, có thể là tồi tệ nhất ở miền Tây nước Mỹ trong 12 thế kỷ”.
So sánh hai hình ảnh, một hình được chụp vào ngày 6/7/2000 và hình còn lại được chụp vào ngày 3/7/2022, có thể thấy rõ sự khác biệt về lượng nước hiển thị trong 2 hình.
Theo dữ liệu của Cục Khai hoang Mỹ, độ cao của hồ tại đập Hoover tính từ đáy lên mặt nước là khoảng 365 m vào tháng 7/2000. Tuy nhiên, con số đo được vào ngày 3/7/2022 chỉ còn khoảng 317 m, CNN đưa tin.
Hình ảnh vệ tinh của hồ Mead năm 2000 và năm 2022. Ảnh: NASA. |
Hồ Mead chạm ngưỡng nguy hiểm nếu mực nước giảm xuống dưới 272 m. Hàng triệu người trên khắp Arizona, California, Nevada và một số vùng của Mexico khi đó sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng, theo NBC News.
Robert Glennon, giáo sư danh dự tại Đại học Arizona, chuyên về chính sách và luật nước, cho biết: “Đây là điều cực kỳ nghiêm trọng”.
Tình trạng hạn hán dai dẳng trong hai thập kỷ qua, ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu và nhu cầu nước tăng trên khắp vùng Tây Nam Mỹ, đã góp phần khiến hồ Mead cạn kiệt.
Trong khi đó, Cục Khai hoang Mỹ và các nhà quản lý nước trên khắp Tây Nam Mỹ đang nỗ lực quản lý dòng chảy của nước vào sông Colorado và điều tiết việc sử dụng nước giữa các bang trong khu vực.
Các biện pháp này nhằm giúp bổ sung nước vào hồ Mead và hồ Powell - một hồ chứa khác cũng đang cạn đi nghiêm trọng.