Tên lửa SLS (Space Launch System – Hệ thống Phóng Không gian) cùng tàu vũ trụ Orion cập bến bệ phóng 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy vào ngày 17/8. SLS là tên lửa mạnh nhất từng được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chế tạo, lực đẩy mạnh hơn 15% so với tên lửa Saturn V dùng trong sứ mệnh Apollo cách đây nửa thế kỷ. Ảnh: NASA. |
Tiến sĩ Patrick Shea cầm mô hình SLS tỷ lệ 1,3/100 tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA ở Thung lũng Silicon vào năm 2016. Mô hình này được dùng để thử nghiệm sức nâng và tăng tốc của tên lửa sau khi rời bệ phóng. Các kỹ sư phủ lên vỏ mô hình một lớp sơn nhạy áp lực không ổn định, có thể thay đổi độ sáng dưới ánh đèn dựa trên áp suất không khí tác động lên từng khu vực của tên lửa. Ảnh: NASA. |
Đợt thử nghiệm thứ 2 của động cơ tên lửa đẩy SLS, diễn ra tại cơ sở thử nghiệm Orbital ATK tại bang Utah (Mỹ) ngày 28/6/2016. Trong các chuyến bay Artemis, tên lửa đẩy sẽ cung cấp hơn 75% lực đẩy cần thiết để SLS thoát khỏi lực hút của Trái Đất. Ảnh: NASA. |
Các kỹ sư làm việc với hơn 180 tấm chắn nhiệt của Orion tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Theo The Atlantic, đây là một trong những bộ phận quan trọng của Orion, giúp bảo vệ thân tàu và phi hành gia trước nhiệt độ 2.760 độ C. Orion sẽ tiếp cận nhiệt độ này trong quá trình trở lại bầu khí quyển Trái Đất từ Mặt Trăng. Ảnh: NASA. |
Khoang phi hành đoàn của Orion trải qua bài kiểm tra trường âm thanh trực tiếp (DFAT – Direct Fiield Acoustic Testing). Hơn 1.500 chiếc loa được xếp xung quanh để mô phỏng âm thanh tàu vũ trụ sẽ trải qua khi rời khỏi bệ phóng. Dữ liệu về áp suất âm thanh và phản ứng của tàu được thu thập bằng micro, máy đo độ biến dạng và gia tốc kế. Ảnh: NASA. |
Bài kiểm tra hệ thống nhảy dù dành cho phi hành gia của Orion. Trong 8 lần thử nghiệm tại căn cứ Yuma Proving Ground của Lục quân Mỹ tại Arizona, các kỹ sư đánh giá hiệu quả hệ thống nhảy dù trong điều kiện hạ cánh bình thường, cũng như một số trường hợp khí động học có thể xảy ra để đảm bảo các phi hành gia hạ cánh an toàn. Ảnh: U.S. Army. |
Tàu đổ bộ vận tải USS John P. Murtha cùng bản thử nghiệm của Orion tại Thái Bình Dương vào ngày 1/11/2018. Đây là bài thử nghiệm do Hệ thống Thăm dò Mặt đất và Hải quân Mỹ tổ chức để đánh giá quy trình đón tàu vũ trụ Orion sau khi hạ cánh xuống biển. Ảnh: NASA. |
Hình nộm để kiểm tra độ rung và hệ thống giảm xóc trên tàu vũ trụ Orion, dự kiến được sử dụng trong chuyến bay Artemis II có phi hành đoàn. Trong khi đó, mục tiêu của Artemis I là kiểm tra hiệu quả tấm chắn nhiệt trên khoang phi hành đoàn, thử nghiệm công nghệ hỗ trợ bằng giọng nói Callisto. Ảnh: NASA. |
Bản thử nghiệm của Orion được di chuyển để gắn lên SLS cho chuyến bay Ascent Abort-2 ngày 22/5/2019. Trong chuyến bay này, Orion được tên lửa đẩy đưa lên độ cao 9,6 km. Tại đó, hệ thống hủy phóng của Orion được kích hoạt, kéo tàu vũ trụ đến nơi an toàn trong trường hợp quá trình phóng tên lửa xảy ra sự cố khẩn cấp. Ảnh: NASA. |
Sà lan Pegasus chở lõi tên lửa SLS đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy ngày 27/4/2021 sau hành trình từ Trung tâm Vũ trụ Stennis tại Mississippi. Phần lõi được hạ tải khỏi sà lan để lắp vào tên lửa. Ảnh: NASA. |
Các thành viên thuộc Hệ thống Thăm dò Mặt đất và công ty kỹ thuật Jacobs vận chuyển lõi tên lửa đến cơ sở High Bay 3 trước khi lắp vào giữa 2 tên lửa đẩy. Phần lõi của SLS nặng 85 tấn, gồm 4 động cơ RS-25, cung cấp lực đẩy hơn 900 tấn để tên lửa cất cánh và nâng độ cao, kết hợp tên lửa đẩy để đưa chuyến bay Artemis I lên vũ trụ. Ảnh: NASA. |
Tại cơ sở High Bay 3, Trung tâm Lắp ráp Phương tiện ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy, các bộ phận của tên lửa đẩy SLS được hạ xuống bệ phóng di động ngày 3/3/2021. Ảnh: NASA. |
Ảnh trên cao cho thấy 2 tên lửa đẩy được lắp hoàn chỉnh trên bệ phóng di động vào ngày 9/6/2021. Ảnh: NASA. |
Tàu vũ trụ Orion được lắp hoàn chỉnh cùng hệ thống hủy phóng, được các kỹ sư nâng lên để lắp vào SLS ngày 20/10/2021. Vụ nổ sẽ đẩy Orion lên quỹ đạo xung quanh Mặt Trăng. Tàu vũ trụ sẽ ở trong không gian trong 42 ngày trước khi trở lại Trái Đất. Ảnh: NASA. |
Charlie Blackwell-Thompson, Giám đốc hoạt động phóng Artemis I ngắm tên lửa SLS từ phòng điểu khiển, khi bệ phóng di động rời khỏi Trung tâm Lắp ráp Phương tiện để đến bãi phóng 39B vào ngày 17/3, chuẩn bị bài thử nghiệm “wet dress”. Trong quá trình này, tên lửa được tiếp đầy nhiên liệu và kích hoạt quá trình đếm ngược cho đến 10 giây trước khi cất cánh. Ảnh: NASA. |
Siêu trăng nhìn từ bãi phóng 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ngày 14/6. Thời điểm đó, tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion cho chuyến bay Artemis I được chuẩn bị cho bài thử nghiệm “wet dress” để kiểm tra quy trình phóng. Ảnh: NASA. |
Bầu trời quang đãng vào ngày 23/8, tên lửa SLS nổi bật giữa bãi phóng 39B. Theo WSJ, không phi hành gia nào đặt chân lên Mặt Trăng kể từ sứ mệnh Apollo 17 năm 1972. Do đó vào 29/8, chuyến bay thử nghiệm Artemis I sẽ mở đầu chiến dịch đưa con người trở lại Mặt Trăng của NASA. Ảnh: NASA. |
Trong suốt thời gian sứ mệnh Artemis I diễn ra, một nhóm nhân viên NASA sẽ ở lại Trung tâm Điều khiển Sứ mệnh (Mission Control Center) 24 giờ một ngày. Trung tâm đã được tu sửa và cải tiến cho sự kiện đặc biệt này. Các đội ngũ nhân viên cũng được tập luyện cho khoảnh khắc lịch sử trong vòng 3 năm. Ảnh: Reuters. |
Orion dự kiến mất khoảng 2 tuần để đi đến quỹ đạo Mặt Trăng. Tiếp theo, khoang phi hành đoàn của tàu vũ trụ sẽ trở lại Trái Đất, rơi xuống Thái Bình Dương vào ngày 10/10. Không có phi hành đoàn, Orion sẽ được điều khiển từ Trái Đất thông qua Mission Control Center. Chuyến bay sẽ có các hình nộm, gắn một số thiết bị để đo đạc độ phơi nhiễm bức xạ. Trong ảnh là một bản thử nghiệm của Orion. Ảnh: NASA. |
Chuyến bay tiếp theo của Artemis, dự kiến khởi hành từ năm 2024 sẽ có sự tham gia của 4 phi hành gia để lên quỹ đạo Mặt Trăng. Một năm sau, chuyến bay thứ 3 của Artemis sẽ đưa các phi hành gia lên bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: Reuters. |
Theo NASA, Mục tiêu của sứ mệnh là đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên Mặt Trăng. Thông qua dự án, NASA sẽ khám phá nhiều bề mặt Mặt Trăng và thiết lập sự hiện diện lâu dài đầu tiên tại nơi đây. Ảnh: AP. |
Chuyến bay Artemis I được đặt lịch cất cánh vào 8h33 ngày 29/8 (giờ Mỹ), tức 19h33 cùng ngày (giờ Việt Nam). “Đây là hành trình hoàn toàn mới, với một tên lửa mới, tàu vũ trụ mới, trung tâm điều khiển mới”, Brian Perry, Sĩ quan Động lực học Chuyến bay, người phụ trách quỹ đạo của Orion ngay sau vụ phóng, chia sẻ với AFP. NASA cũng có kế hoạch chia sẻ bức ảnh Trái Đất chụp từ tàu vũ trụ Orion trong thời gian di chuyển đến quỹ đạo Mặt Trăng. Ảnh: Reuters. |