Nắng nóng, mưa dông và bão lũ ngày càng cực đoan - Xã hội - ZNEWS.VN
Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nắng nóng, mưa dông và bão lũ ngày càng cực đoan

"Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, có 3 yếu tố chắc chắn ngày càng cực đoan đó là nắng nóng, mưa dông và bão lũ", theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Sáng 16/6, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức họp báo thông tin về diễn biến thiên tai thời gian qua và dự báo xu hướng thời tiết, khí hậu sắp tới.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm nhấn mạnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu, có 3 yếu tố chắc chắn ngày càng cực đoan đó là nắng nóng, mưa dông và bão lũ. "Các dự báo sớm 3-6 tháng chỉ mang tính định hướng xu thế, chưa thể dự đoán số liệu và mức độ", ông Khiêm nói thêm.

Trả lời câu hỏi của Zing về nguyên nhân các đợt mưa lớn dồn dập ở miền Bắc vừa qua, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết mỗi khu vực đều chịu những hình thái khác nhau tác động trực tiếp đến thời tiết, khí hậu.

Ở khu vực phía nam Trung Quốc và phía Bắc Việt Nam tồn tại những rãnh áp thấp gây mưa. Đồng thời, gió mùa Đông Bắc thời gian qua hoạt động mạnh, đẩy rãnh này xuống gây ra mưa lớn dồn dập cho miền Bắc.

Từ 17/6, khu vực kết thúc mưa dông, quay trở lại trạng thái nắng nóng. Sau ngày 20/6, mưa có thể tiếp diễn.

"Vì mưa nhiều nên khu vực có ít ngày nắng nóng trong thời gian qua. Đến tháng 7, miền Bắc có thể xuất hiện mức nhiệt trên 37 độ C nhưng số ngày nắng nóng cũng ít hơn so với trung bình nhiều năm, vẫn có nhiều ngày mưa dông", ông Lâm nói.

Thời gian qua, Hà Nội hứng chịu nhiều trận mưa lớn gây ngập lụt. Ảnh: Hoàng Hà.
mua lu mien Trung anh 1
mua lu mien Trung anh 1

Thời gian qua, Hà Nội hứng chịu nhiều trận mưa lớn gây ngập lụt. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo ông Lâm, năm nay là năm thứ 3 liên tiếp ENSO (sự biến đổi có tính chu kỳ không đều của gió và nhiệt độ bề mặt biển ở Thái Bình Dương) nghiêng về pha lạnh, duy trì trạng thái La Nina. Đây là điều hiếm gặp vì thông thường, chu kỳ khí hậu của ENSO là 2 năm.

Các mô hình dự báo cho thấy từ nay đến cuối năm, La Nina duy trì với xác suất 55-65%. Hình thái này sẽ ảnh hưởng chính đến thời tiết, khí hậu toàn cầu và khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, cũng như châu Á và Việt Nam.

Theo ông Lâm, so sánh chuỗi số liệu lịch sử và các năm có La Nina, mùa mưa bão năm nay được đánh giá tương đương với năm 2011 và mùa khô hạn tương đương năm 2012.

"Dự báo mới nhất cho thấy trong năm nay, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới xấp xỉ so với trung bình nhiều năm là 10-12 cơn trên Biển Đông, trong đó 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền", ông Lâm nói và nhấn mạnh nguy cơ bão dồn dập vào cuối năm ở miền Trung.

Dù vậy, theo lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chưa thể nhận định việc mưa lũ năm nay ở miền Trung có thể ghi nhận số liệu lịch sử, cực đoan tương tự năm 2020.

Cơ quan này nhận định năm nay, không khí lạnh khả năng xuất hiện sớm vào tháng 10 và tháng 11. Kết hợp với xoáy thuận nhiệt đới, hình thái này khả năng gây ra nhiều đợt mưa lớn liên tiếp cho các tỉnh, thành phố Trung Bộ. Mô hình dự báo cũng cho thấy mưa có thể tập trung ở Trung Trung Bộ, đặc biệt trong tháng 11.

Bài liên quan

Vì sao Hà Nội liên tục hứng mưa lớn?

Vì sao Hà Nội liên tục hứng mưa lớn?

Với lượng mưa có nơi trên 130 mm chỉ trong một giờ, Hà Nội ghi nhận nhiều điểm ngập nặng. Khu vực được dự báo tiếp diễn mưa lớn trong hai ngày 14-15/6.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm