Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết một vùng xoáy thấp đang hình thành và có xu hướng hoạt động mạnh dần, mở rộng ở khu vực phía bắc các tỉnh Bắc Bộ. Từ chiều tối và đêm 6/7, Bắc Bộ (bao gồm cả thủ đô Hà Nội) và Thanh Hóa xuất hiện mưa rào và dông.
Trong khi có, các tỉnh vùng núi phía Bắc có mưa vừa, có nơi mưa to. Cơ quan khí tượng cảnh báo người dân cần đề phòng khả năng cao kèm tố lốc và gió giật mạnh.
Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ xuất hiện mưa lớn trong nhiều ngày tới. Ảnh : Phạm Thắng. |
Tình trạng mưa rào kèm dông lốc trên diện rộng tiếp diễn đến khoảng ngày 7-9/7 ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Các địa phương miền núi phía Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái có mưa rất to vào đêm và sáng sớm.
Trao đổi với Zing.vn, ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết với khu vực đô thị, sét và gió giật mạnh là 2 yếu tố nguy hiểm nhất khi dông lốc. Bởi sét có thể đánh chết người, gió giật gây tốc mái, cây đổ.
Ông Lâm khuyến cáo người dân cần tìm nơi trú tránh an toàn, kiên cố, hạn chế tham gia giao thông để tránh sét đánh và gió giật mạnh trong cơn dông.
Các tỉnh miền núi phía bắc cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Ảnh: Việt Hùng. |
Đợt mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ tập trung cao điểm trong các ngày 7-9/7, sau đó mưa còn có thể kéo dài nhiều ngày và thời tiết dễ chịu.
Từ ngày 7-10/7, thượng lưu sông Đà, sông Thao và sông Lô cũng sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3-4 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao và sông Lô có khả năng mức báo động 1.
Vùng áp thấp phía tây hiện hoạt động mạnh nên khu vực phía bắc vịnh Bắc Bộ có gió tây nam đến nam mạnh cấp 5,-6, giật cấp 7. Sóng biển cao 1,5 đến 2,5 m.
Khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh; khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp 6-7.