Những thiên tài nổi tiếng trong lịch sử nhân loại. Nguồn: onedio. |
Thế còn thiên tài thì sao? Làm sao chọn lọc tự nhiên giải thích được những Shakespeare, Mozart, Einstein và Abdul-Jabbar? Làm thế nào Jane Austen, Vincent van Gogh hay Thelonious Monk sống sót được trên các xa-van của thế Pleistocene?
Ai trong chúng ta cũng sáng tạo. Mỗi lần chèn một vật dưới chân bàn bị lung lay, hay nghĩ ra cách mới để dụ con mình đi ngủ, chúng ta sử dụng năng lực của mình để tạo nên kết quả mới.
Nhưng các thiên tài khác biệt không chỉ bởi những công trình phi thường mà còn bởi cách làm việc phi thường; họ không suy nghĩ như chúng ta. Họ sinh ra như những thần đồng. Họ lắng nghe suy tưởng của mình và bất chấp những tri thức truyền thống.
Họ làm việc khi cảm hứng tràn tới, và nhảy những bước lớn với hiểu biết sâu sắc trong khi chúng ta chập chững từng bước nhỏ dọc theo lối mòn. Họ đặt vấn đề sang một bên và ấp ủ trong vô thức; rồi một lúc nào đó không ngờ tới, bóng đèn bật sáng và một giải pháp hoàn thiện tự xuất hiện! Aha! Bậc thiên tài để lại cho ta tác phẩm kinh điển, là di sản của sự sáng tạo không kìm nén trong vô thức.
Woody Allen đã nắm bắt được tinh thần này trong bức thư tưởng tượng do Vincent van Gogh viết trong câu chuyện “If the Impressionists Had Been Dentists” (Nếu các họa sĩ ấn tượng là nha sĩ).
Vincent viết cho người em trong đau khổ và tuyệt vọng: “Bà Sol Schwimmer đang kiện anh vì anh làm cầu răng cho bà ấy như anh muốn chứ không phải cho vừa với cái miệng buồn cười của bà ấy! Đúng thế! Anh không thể làm theo yêu cầu như những người thợ bình thường được.
Anh quyết định rằng cầu răng của bà ấy phải khổng lồ và cuồn cuộn như sóng biển, với những cái răng hoang dại, bùng nổ, chĩa ra khắp mọi hướng như tia lửa bắn! Giờ bà ấy bực mình vì nó không vừa với miệng!... Anh cố nhét hàm răng giả vào nhưng nó cứ chìa ra như đèn chùm. Dù vậy, anh vẫn thấy nó đẹp!”.
Hình ảnh đó ra đời từ phong trào Lãng mạn 200 năm trước và giờ đây đã chắc rễ. Các hãng tư vấn sáng tạo kiếm được hàng triệu đôla từ các tập đoàn nhờ những hội thảo về động não, tư duy đường vòng và dòng chảy từ não phải, đảm bảo biến mọi người quản lý thành Edison.
Nhiều giả thiết phức tạp đã được đưa ra để giải thích cho năng lực giải quyết vấn đề kỳ diệu của vô thức mơ mộng. Như Alfred Russel Wallace, nhiều người đã kết luận rằng không thể có lời giải thích tự nhiên nào cả.
Các bản nháp của Mozart được cho là không hề có sửa chữa. Các tác phẩm của ông phải đến từ trí óc của Chúa, và ngài chọn Mozart để cất lên tiếng nói của mình. Không may là những người sáng tạo thì sáng tạo nhất khi viết tiểu sử của mình.
Các sử gia đã nghiên cứu cẩn thận nhật ký, sổ tay, bản thảo và thư từ của họ để tìm kiếm các dấu hiệu của nhà tiên tri thất thường thỉnh thoảng bị tia sét từ vô thức giáng phải. Buồn thay, họ phát hiện ra rằng các thiên tài sáng tạo giống với Salieri hơn là Amadeus.
Thiên tài là những người say mê công việc. Trung bình, họ phải mất ít nhất mười năm trước khi đóng góp được gì đó có giá trị lâu dài. (Mozart soạn những bản nhạc đầu tiên lúc tám tuổi, nhưng không hay lắm; tác phẩm lớn đầu tiên xuất hiện khi ông đã theo nghề được 12 năm).
Trong quá trình học việc, các thiên tài chìm đắm trong vực của mình. Họ hấp thu hàng chục nghìn vấn đề và giải pháp, do đó không có thách thức nào là hoàn toàn mới và họ có thể vận dụng vốn motif và chiến lược rộng lớn.
Họ luôn để ý tới những cạnh tranh và xu hướng của thời đại, và hoặc khác biệt hoặc may mắn trong lựa chọn vấn đề. (Những người không may mắn, dù tài giỏi thế nào cũng lĩnh không được xem là thiên tài.) Họ lo lắng tới sự quý trọng của người khác dành cho mình và vị trí của họ trong lịch sử. (Nhà vật lý Richard Feynman viết hai cuốn sách mô tả việc mình thông minh, bất kính và được ngưỡng mộ thế nào, và đặt tiêu đề cho một cuốn là What Do You Care What Other People Think? (Sao phải lo lắng người khác nghĩ gì?)).
Họ làm việc ngày đêm, và để lại cho ta nhiều công trình ít thiên tài hơn. (Wallace dành phần cuối sự nghiệp để cố gắng giao tiếp với người chết). Giai đoạn ngắn khi họ rời xa vấn đề là hữu ích, không chỉ bởi vấn đề sẽ được lên men trong vô thức mà còn vì họ đã kiệt sức và cần nghỉ ngơi (và có lẽ để có thể quên đi những ngõ cụt).
Họ không chế phục một vấn đề mà tiến vào quá trình “lo lắng có tính sáng tạo”, và thời khắc thấu hiểu không phải là một bước đi tài tình hoàn toàn mới mà là một sự sửa đổi của nỗ lực trước đó. Họ sửa chữa liên tục và cuối cùng đạt được lý tưởng của mình.
Tất nhiên, các thiên tài cũng có thể may mắn về mặt di truyền. Nhưng họ không phải là những kẻ kỳ dị với tâm trí hoàn toàn không giống chúng ta hay bất cứ thứ gì ta có thể tưởng tượng là tiến hóa ra được ở một loài luôn sống dựa vào trí tuệ. Thiên tài tạo ra những ý tưởng hay vì chúng ta ai cũng tạo ra ý tưởng hay; đó chính là mục đích của một trí óc mang tính thích nghi và tổ hợp.