Kể từ thất bại của Pháp trong Chiến tranh Bảy năm, trong đó có phần không nhỏ dưới thanh kiếm của Frederick, nhiều tư tưởng quan trọng đã được các nhà chiến lược và lý thuyết quân sự của nước này thực hiện. Mục đích là cải tiến từng binh chủng bộ binh, kỵ binh, pháo binh. Chúng có thể được phối hợp để trở nên hiệu quả hơn nhiều.
Nghiên cứu sâu về chiến thuật
Napoleon đã nghiên cứu sâu các tác phẩm của Guibert, Gribeauval, Bourcet, thống chế de Saxe cùng những người khác, và hiện thực hóa những ý tưởng của họ trên chiến trường.
Ông không phát minh những khái niệm như đội hình vuông, chiến lược vị trí trung tâm, đội hình hỗn hợp, lối đánh tập hậu, hay kể cả hệ thống quân đoàn, nhưng ông đã hoàn thiện chúng. Chúng cho phép ông chiến đấu trong mọi kiểu giao chiến quân sự và xoay chuyển hầu hết tình hình theo hướng có lợi cho mình.
Chỉ riêng trong chiến dịch Italy 1796-1797, ông liên tục kìm chân địch tại chỗ, trong khi vòng ra sau một trong hai bên sườn của địch (sườn phải tại Montenotte, sườn trái tại Rovereto) và đôi khi đồng thời cả hai bên sườn như tại Mondovi.
Tranh Napoleon trở về từ Elba của họa sĩ Charles Auguste Guillaume Steuben. |
Ông rất xuất sắc trong việc động viên quân của mình tấn công qua những cây cầu hẹp như tại Lodi và Arcole, phán đoán tình hình từ thông tin tình báo như trước trận Marengo, trong việc truy kích một kẻ địch đang rút lui như tại Millesimo ở Primolano.
Ông chặn đứng cuộc tấn công tập hậu của địch tại Lonato, cũng như Rivoli và phản kích thành công trong cả hai lần này. Tại Castiglione, ông bẫy quân địch lọt vào giữa hai cánh quân và tấn công chúng từ phía sau.
Cần phải có năng lực đặc biệt để tác chiến hoàn hảo trong mọi tình huống chiến thuật khác nhau có thể hình dung ra trong chiến dịch, và Napoleon đã lặp đi lặp lại năng lực này trong gần 20 năm. Thực sự, một trong những hoạt động chỉ huy tốt nhất của ông là trong chiến dịch năm 1814 ở Champagne, khi ông thắng 4 trận riêng rẽ trong 5 ngày.
Các đạo quân cách mạng được tổng động viên, không những có quy mô rất lớn xét theo các tiêu chuẩn trước đây, mà còn được thôi thúc bởi tinh thần ái quốc nhiệt thành.
Sau khi tự phong mình là hoàng đế, ông nhận ra cần một thứ cao hơn tinh thần cộng hòa đơn thuần để tạo nên tinh thần đồng đội tối cần thiết, khích lệ mạnh mẽ binh lính của mình. Với những bản tuyên bố, lời cổ vũ truyền cảm hứng, các bản Nhật lệnh của mình, và trên hết là việc lập ra Binh đoàn Danh dự, ông kêu gọi phạm trù danh dự người lính để thắp lên thứ gọi là “ngọn lửa thiêng liêng” của sự can trường thượng võ.
Tạo nên văn hóa quân sự mới
Napoleon đã thành công trong việc kết hợp các yếu tố từ thời chế độ cũ với các đội quân cách mạng để tạo nên văn hóa quân sự mới, được thúc đẩy bởi danh dự, tinh thần ái quốc và sự tận tụy mãnh liệt với bản thân ông.
Nó đã đưa những người lính của ông vượt qua các đồi cát của Ai Cập, những dòng sông lớn của châu Âu và cuối cùng là thảm họa khi tới những vùng hoang vu băng giá của Nga.
Trong 5 năm hòa bình xen giữa trận Marengo và chiến dịch Austerlitz, Napoleon đã huấn luyện cho các đạo quân của mình những phương thức vận động mà ông có thể triển khai với hiệu quả tuyệt vời trong nhiều chiến dịch sau đó. [...]
Một trong những câu nói nổi tiếng của Napoleon. Ảnh: Omega Plus. |
Không giống các đạo quân thế kỷ 18, vốn di chuyển một cách cồng kềnh với những đoàn xe lớn chở hành lý và trưng dụng những gì chúng cần trong chiến dịch, các đạo quân cách mạng và sau đó là đạo quân của Napoleon sống nhờ địa phương, phân tán (trong giới hạn được kiểm soát nghiêm ngặt) để làm việc này. Vì thế, khi được chỉ huy bởi một vị tư lệnh có năng lực lãnh đạo là Napoleon, đội quân có thể di chuyển với tốc độ hoàn toàn khác biệt so với kẻ thù của họ.
Napoleon cũng không tự làm mình chậm lại với việc vây hãm các thành phố, nhận ra rằng những cuộc chiến hiện đại - những cuộc chiến của ông - sẽ chiến thắng nhờ đòn tấn công chớp nhoáng vào chủ lực địch trên chiến trường. Sự hiểu biết về địa hình và toán học cũng cho phép ông sử dụng pháo binh với hiệu quả tối đa tại Toulon, Jena, Wagram, Montereau, và nhiều trận khác.
Ông luôn bình tĩnh và phân tích - đôi khi thậm chí còn vui vẻ như tại Rivoli và Wagram - ngay cả khi ông dường như đang ở bên bờ vực thất bại. Điều mà với các vị tư lệnh khác có vẻ là thảm họa tiềm tàng, ông lại coi là cơ hội.
Chẳng hạn, khi ông phải chiến đấu ở cuối các tuyến đường liên lạc, bị kéo căng ra rất dài, như tại Austerlitz và Friedland (dù không phải tại Borodino), sự sơ hở về vị trí chiến lược của mình dường như lại tạo cảm hứng cho ông trở nên táo bạo hơn trên chiến trường.
Một khía cạnh quan trọng khác trong nghệ thuật chỉ huy của Napoleon là khả năng duy trì thế chủ động. Trong 60 trận đánh của ông, chỉ có 5 trận - Kim tự tháp, Marengo, Aspern-Essling, Leipzig, và La Rothière - là phòng ngự; những trận còn lại là tấn công.