Khởi đầu cơ nghiệp
“Miếng trầu là đầu câu chuyện.” “Con trâu là đầu cơ nghiệp.” “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà trong ba việc ấy thật là khó thay”...
Ông bà mình thiệt tình đáo để. Có mấy chữ mà chứa chan biết bao chuyện dài vô tận...
Muốn khởi đầu cơ nghiệp, khó có thể thiếu công cụ sản xuất hỗ trợ sức người, hồi trước chủ yếu là con trâu. Nay cần thêm những gì? Từ cơ nghiệp đến cơ đồ tầm vóc hơn, dài hơi hơn, đòi hỏi quy hoạch hơn, chí ít còn phải có những người kề vai sát cánh vững vàng, trong nghĩa “muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”.
Do vậy, lấy vợ lấy chồng không phải chỉ yêu nhau là đủ mà còn đòi hỏi “đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn.” Bởi, “bên cạnh người đàn ông vĩ đại, là người đàn bà vĩ đại”... hẳn cũng cần một cơ ngơi, hiểu theo hướng tài sản, của cải vật chất, ở mức độ tối thiểu nào đấy.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Thirdman/Pexels. |
Nếu hồi trước khởi đầu cơ nghiệp là nỗi ưu tư hàng đầu của ông bà ta, thì thời nay, khởi nghiệp lại là ám ảnh của tuổi trẻ vừa đầy khát khao cùng nhiều huyễn hoặc.
Thẳng ngay vào bản chất của vấn đề: khởi nghiệp mà không có sự chuyên nghiệp thì thành công được không? Cần các chuẩn mực chuyên nghiệp gì trong những lĩnh vực trọng yếu nào để có thể đạt những thành tựu then chốt trên đường kiến dựng sự nghiệp của bản thân và tổ chức?
Muốn kiến dựng cơ ngơi, cơ nghiệp, cơ đồ - nghĩa là muốn khởi nghiệp, lập nghiệp, dựng nghiệp - thành công, không thể thiếu sự chuyên nghiệp về năng lực lõi, tay nghề chuyên môn, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, quyền lực cứng, quyền lực mềm, thông minh trí tuệ và thông minh cảm xúc. Đồng thời có quan niệm đúng đắn đối với việc tạo tác tiền tài, tạo tác lý lẽ, vốn sống thực nghiệm, cùng các quy tắc ứng xử cần thiết và phương thức hình tượng hóa cơ bản.
Hãy bắt đầu với cặp phạm trù nền tảng: thế nào là chuyên nghiệp về năng lực lõi và tay nghề chuyên môn? Cũng chẳng khó. Hiểu được vế sau là trả lời được vế trước.
Năng lực lõi (core competency/competencies) và tay nghề chuyên môn (professional skill) nhất thiết song hành với nhau. Một bên cơ bản là do đào tạo mà có. Một bên chủ yếu nhờ thực nghiệp mà thành. Một bên thiên về công nghệ, hiểu theo nghĩa của từ gốc Hy Lạp (technology: tekhnê+logia = nghệ thuật + khoa học) là nghệ thuật ứng dụng khoa học, bao gồm tất cả những gì cần thiết, từ kiến thức đến phương pháp, tổ chức quy trình và các công cụ, để biến tri thức, khám phá khoa học thành đóng góp thực tiễn cho đời sống cộng đồng, của cải xã hội.
Một bên thiên về kỹ thuật thực hành (technical accomplishment, technical implementation), nghĩa là cách thức thực hiện công việc cụ thể đòi hỏi thành thạo những kỹ năng, thủ thuật nhà nghề và mức độ kinh nghiệm nhất định, thích nghi với thực địa, môi trường sống bao quanh. Nếu cái trước không có cái sau thì chỉ thiên về hàn lâm: thuyết rất giỏi nhưng làm khá tệ. Cái sau không có cái trước chỉ sẽ chuyên chú về tác vụ: làm rất tốt nhưng nghiên cứu, tìm hiểu có đầu có đuôi, giải thích cho ra lẽ thì thường là... tắc tịt!
Các phạm trù năng lực lõi và tay nghề chuyên môn đã được phân tích lần đầu trong (cùng tác giả, Nxb Trẻ) Thị trường - Chiến lược - Cơ cấu: Cạnh tranh về giá trị gia tăng và Phát triển doanh nghiệp, 2005 (bản in lần thứ 6 năm 2024 với lời tổng luận mới của tác giả). Và gần đây, đầy đủ hơn, trong Chiến lược - Cơ chế - Con người: Thế kiềng 3C của tồn vinh doanh nghiệp, 2022. Nay xin nhắc lại ở đây như tiền đề thiết yếu của các lĩnh vực liên quan trong phân đoạn này.
Bình luận