Tài liệu 98 trang do HRW công bố ngày 1/11 là kết quả của hơn 2 năm tổng hợp dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn với những nạn nhân bị quấy rối tình dục và đã rời Triều Tiên. Báo cáo mô tả tình trạng mà viên chức, từ cảnh sát, quản giáo tới cán bộ bảo vệ chợ, đều bị cáo buộc lạm dụng phụ nữ và việc đó diễn ra một cách thường xuyên.
Báo cáo cũng tố cáo tình trạng nhiều quan chức, dù vướng cáo buộc, có khả năng cao được miễn truy cứu.
Kenneth Roth, giám đốc điều hành HRW, nhận định bạo lực tình dục ở Triều tiên là “bí mật công khai ai cũng biết nhưng chịu đựng và không nhắc đến hay xử lý”.
“Phụ nữ Triều Tiên có thể sẽ nói ‘Me Too’ nếu họ nghĩ rằng còn cách để có được công lý, nhưng tiếng nói của họ bị buộc im bặt”, ông Roth nói, đề cập tới phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo nổi lên ở nhiều nước gần đây.
Hiện chính phủ Triều Tiên chưa phản hồi về báo cáo này.
Bật khóc trong đêm
HRW đã hỏi chuyện tổng cộng 106 người Triều Tiên, gồm 72 phụ nữ, 4 thiếu nữ và 30 đàn ông. Các cuộc phỏng vấn đều diễn ra ở nước ngoài.
Trong tất cả nạn nhân bị quấy rối tình dục, chỉ một người nói rằng đã cố trình báo. Những người còn lại không báo cáo vụ việc vì “họ không tin cảnh sát và cũng không tin cảnh sát sẵn sàng hành động”.
“Vào ngày mà họ muốn, nhân viên bảo vệ chợ hay các sĩ quan cảnh sát có thể yêu cầu tôi đi theo họ vào một phòng trống bên ngoài khu chợ hoặc một nơi nào đó họ đã chọn trước”, báo cáo trích lời một phụ nữ trong độ tuổi 40, từng buôn bán trong chợ và trốn khỏi Triều Tiên vào năm 2014. Người này kể đã bị tấn công tình dục nhiều lần.
Ảnh minh họa cho những vụ việc phụ nữ phải chịu theo báo cáo của tổ chức Human Rights Watch. Ảnh: HRW. |
“Họ coi chúng tôi như đồ chơi. Chúng tôi bị đàn ông bắt sao thì phải chịu vậy”, người phụ nữ nói rằng việc quấy rối tình dục đã xâm nhập vào sâu trong đời sống đến mức trở thành điều bình thường.
Tuy nhiên, dù thế nào thì “đôi khi, bạn bật khóc trong đêm mà không biết tại sao”, bà nói thêm.
Theo báo cáo, các chuyên gia y khoa từ Triều Tiên cho biết nước này “không có quy chuẩn gì cho việc khám, xét nghiệm và điều trị y tế cho nạn nhân của bạo lực tình dục để có thể chăm sóc trị liệu cho họ hoặc thu thập bằng chứng y khoa”.
9 trên 10 phụ nữ bị quấy rối
Heo Jong Hae, cựu sĩ quan cảnh sát Triều Tiên, nói với CNN rằng 90% phụ nữ cô biết đều từng bị tấn công tình dục. Bản thân cô cũng là nạn nhân.
Cô kể rằng một người bạn của cô từng nghĩ tới chuyện tự tử sau khi bị quấy rối tình dục vào năm 17 tuổi.
“Cô ấy nói đã khóc nhiều và muốn chết. Bố mẹ bảo cô ấy về nhà trước khi trời tối để tránh bị cưỡng hiếp nhưng những chuyện này xảy ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Cô ấy cố tự sát. Ở Bình Nhưỡng, mọi thứ còn tệ hơn vì ai cũng buộc phải ra khỏi nhà đi làm mỗi ngày”, người này kể.
Phụ nữ tại Triều Tiên đối mặt với nguy cơ bị quấy rối tình dục. Ảnh: AP. |
Cô kể rằng trong trường hợp hy hữu khi vụ việc trình báo với cảnh sát, cuộc điều tra sẽ vướng phải sức ép buộc phải hủy bỏ. “Khi người bị cáo buộc là quan chức, kể cả nếu vụ án đã đến tay cảnh sát, thì nó vẫn sẽ được làm ngơ”, Heo nói. “Trong trường hợp tôi hay những người khác ở sở cố điều tra, cấp trên, như cảnh sát trưởng chẳng hạn, sẽ bảo chúng tôi ngừng. Họ là những người không thể động vào”.
Cô Heo Jong Hae nói việc cô quyết định đào tẩu khỏi Triều Tiên chủ yếu xuất phát từ chính trải nghiệm kinh khủng của bản thân với nạn quấy rối.
“Tôi không thể sống cùng sự bức bối trong môi trường ấy. Khi tôi chia sẻ câu chuyện của mình, (tôi hy vọng) những phụ nữ khác cũng chia sẻ chuyện của họ”, cô nói.
Không có đúng sai
Thậm chí, khi nam nghi phạm bị quy trách nhiệm, thì người chịu khổ cũng vẫn là nạn nhân.
Lee So Yeon, giám đốc Hội liên hiệp Phụ nữ Triều Tiên Mới, là người Triều Tiên đang sống ở Seoul, Hàn Quốc. Bà nói với CNN rằng khi bà còn phục vụ trong quân đội Triều Tiên, chỉ huy đại đội từng quấy rối tình dục nhiều nữ quân nhân. Ông ta đối mặt với việc bị bãi chức, phó chỉ huy bị chuyển tới một đơn vị khác còn các nạn nhân cũng bị buộc xuất ngũ trong nhục nhã.
“Thủ phạm thường không bị trừng phạt nếu chỉ có 1, 2 nạn nhân. Kẻ quấy rối có chức tước càng cao thì càng ít có khả năng bị trừng phạt. Trong trường hợp trên, ông ta đã quấy rối khoảng 30 người. Các nạn nhân bị đuổi khỏi quân ngũ vì họ được coi là quan hệ tình dục với chỉ huy trong khi đang làm nhiệm vụ, và chủ động làm thế”.
Kể cả sau khi vụ án đã kết thúc, những người phụ nữ này vẫn tiếp tục phải gánh hậu quả.
“Một khi lộ ra thông tin một người phụ nữ nào đó là nạn nhân bị quấy rối, xã hội không nhìn họ một cách tử tế nữa. Thay vào đó, họ bị đổ tội vì hành vi câu dẫn và thiếu suy nghĩ”, bà Lee nói. “Không hề có đúng sai ở đây”.
Báo cáo cho rằng phụ nữ trong các trại tạm giam bị buộc ngồi ở tư thế này. Ảnh: Human Rights Watch. |
Dù Bình Nhưỡng có luật hình sự đối với tội cưỡng hiếp, buôn người và quan hệ tình dục với cấp dưới, báo cáo này cáo buộc rằng chính phủ Triều Tiên gần như không công nhận sự tồn tại của nạn hiếp dâm trong nước.
Tài liệu này cũng cho thấy bạo lực tình dục và bạo lực trên cơ sở giới tính là vấn nạn thường thấy trong xã hội Triều Tiên.
Tháng 7/2017, chính phủ Triều Tiên thông báo với Công ước Liên Hợp Quốc về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) rằng cả nước có 9 người bị kết tội cưỡng hiếp vào năm 2008, số liệu của năm 2011 và 2015 lần lượt là 7 và 5.