Trưa 23/9, một ngày sau sự cố sập biệt thự Pháp cổ ở 105-107 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhiều tiểu thương buôn bán tại khu chợ cóc và người dân trọ trong các dãy nhà bị ảnh hưởng, đã được vào hiện trường tìm kiếm đồ đạc dưới sự giám sát của công an.
Nhanh tay bốc chuyển số trái cây bị vùi lấp trong gạch đá ra ngoài hè phố, bà Tạ Thị Tuyết (50 tuổi, quê huyện Hoài Đức) biểu lộ vẻ sợ hãi.
Người phụ nữ dáng thấp bé kể, nhiều loại quả bà mới nhập về bị hư hỏng sau vụ sập nhà, số hàng vớt vát được không nhiều.
Khách quen thấy bà may mắn thoát nạn cứ liên tục tới hỏi thăm, mua những túi trái cây bám đầy bụi đất cho người phụ nữ trung tuổi.
Bà Tạ Thị Tuyết chuyển số quả ra khỏi hiện trường vụ sập. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
"Tôi chưa biết từ mai sẽ bán hàng ở đâu vì chợ tạm bị phong tỏa rồi" - bà Tuyết nói vẻ lo lắng.
Cùng với bà bán trái cây, nhiều hộ kinh doanh xếp hàng dài chờ tới lượt vào tìm lại tài sản. Xem lẫn với các tiểu thương, một số người của Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 (Tổng cục Đường sắt Việt Nam) cũng tới tìm đồ đạc. Khu nhà gặp sự cố vốn là nơi làm việc của họ.
Trong khi đó, nhiều người dân sống trong ngôi nhà bị sập, may mắn thoát nạn vẫn chưa yên tâm dù đã tới nơi ở tạm.
Thẫn thờ trong căn phòng được chuyển tới sơ tán - thuộc tòa nhà CT1B (Khu đô thị Định Công), bà Trần Thị Sửu (55 tuổi) bảo vẫn ám ảnh vì khoảnh khắc kinh hoàng.
Bà kể thời điểm xảy ra sự cố đang cùng con trai 14 tuổi ở tầng một, còn con gái 20 tuổi trên gác hai. Khi căn biệt thự Pháp ở đối diện bất ngờ sụp, gạch ngói bịt kín lối ra vào.
Bụi phủ trắng người khiến ba mẹ con bà khó thở, sợ hãi. Người phụ nữ 55 tuổi cùng con trai nhiều lần tìm cách đào bới gạch đá thoát ra ngoài nhưng bất thành.
“15 phút sau, lực lượng cứu hộ tới tháo dỡ vật cản, đưa hai mẹ con ra. May mắn tôi chỉ bị thương nhẹ ở chân, đến giờ nghĩ lại vẫn run sợ, không ăn nổi cơm” - bà Sửu nói.
Gia đình bà Trần Thị Sửu và các hộ khác chưa ổn định tại nơi ở tạm. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Được chính quyền địa phương di dời, bố trí tạm cư ở đây cùng hơn 50 người khác, bà Sửu bảo mọi người chẳng ai có đồ gì ngoài vài bộ quần áo. "Những vật dụng thiết yếu như bếp nấu, chăn màn đều thiếu. Tới bữa các gia đình phải ra ngoài mua đồ ăn sẵn" - bà Sửu chia sẻ.
Có chung tâm trạng như nhiều tiểu thương đồng cảnh, người phụ nữ trung tuổi kể mình bán nước ở khu tập thể xảy sự cố đã lâu, thu nhập đủ sống qua ngày. Sau tai nạn, hiện trường bị phong tỏa, bà lo vì chưa tìm được chỗ mưu sinh.
"Đêm đầu tại nơi ở mới, tôi trằn trọc không ngủ được phần vì còn sợ hãi, phần bởi chưa tìm được việc để kiếm sống, nuôi hai con" - nạn nhân thoát nạn rưng rưng.
Cùng sống trong khu tập thể 105 -107 Trần Hưng Đạo, đêm qua, gia đình anh Ngô Mạnh Hùng phải sang nhà người thân ở nhờ. Sáng 23/9, anh bảo cùng một số hộ khác tới UBND phường Cửa Nam để đăng ký về nơi ở tạm, nhưng đang chờ được giải quyết.
"Chúng tôi chưa được thông báo về hạn phong tỏa khu tập thể. Hiện gia đình chưa có nơi ở ổn định, hai vợ chồng đều thầy bất ban" - anh Hùng bày tỏ.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, khu nhà 105-107 Trần Hưng Đạo có 16 hộ dân, với 61 nhân khẩu sinh sống. Ngay trong đêm 22/9, đã có 5 hộ dân được bố trí nơi tạm cư.
Trong khi đó, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định đã bố trí sẵn 40 căn hộ thuộc khu nhà CT1B để tổ chức tạm cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi vụ sập.
12h45 ngày 22/9, biệt thự Pháp cổ ở 105-107 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ sập làm 2 người chết, 6 người bị thương.
Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1905, đã qua sửa chữa, tu tạo vào những năm 1990, do sự quản lý của Ban Quản lý dự án Đường sắt (Tổng công ty Đường sắt VN), đang trong diện bảo tồn. Ngôi biệt thự có diện tích mặt bằng 1.164 m2 gồm 3 khối. Khối thứ 2 có diện tích 300 m2 đổ sập sang hai bên lối đi của tòa nhà.
Sơ bộ nguyên nhân ban đầu được xác định do tòa nhà đã qua sử dụng nhiều năm (110 năm), xuống cấp. Những trận mưa lớn nhiều ngày khiến nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực nên tự sập đổ một phần.