Phụ nữ Nepal xếp hàng chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại Kathmandu. Ảnh: Reuters |
Theo Guardian, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế cho biết từ lâu, bọn buôn người đã bắt cóc và bán các cô gái trẻ ở nhiều vùng nông thôn Nepal vào các nhà thổ khắp vùng Nam Á. Ước tính mỗi năm khoảng 12.000 đến 15.000 cô gái bị đưa khỏi Nepal.
Chúng đưa một số cô gái tới Hàn Quốc và Nam Phi, nhưng phần lớn bị bán vào các nhà thổ ở Ấn Độ, nơi hàng chục nghìn "công nhân tình dục" phải sống và làm việc trong cảnh cực khổ. "Sau động đất là thời điểm những kẻ buôn người giả dạng thành nhân viên cứu trợ để lừa bắt các cô gái trẻ", chuyên gia Sunita Danuwar, giám đốc tổ chức từ thiện Shakti Samuha, cảnh báo.
Danuwar cho biết cơ quan chức năng đã báo cáo về chuyện nhiều kẻ giả dạng làm nhân viên cứu trợ tới tiếp cận các cô gái trẻ ở những vùng bị động đất tàn phá. "Chúng tôi đang cảnh báo về nguy cơ này tới các vùng bị tàn phá và hỗ trợ người dân tại đó", chuyên gia này khẳng định.
Một số chuyên gia cứu trợ phương Tây tới Nepal cũng bày tỏ sự lo ngại về nạn buôn người. "Đây là cơ hội vàng để bọn buôn người bắt cóc phụ nữ. Nguy cơ thảm kịch ở Nepal trở nên tồi tệ hơn là rất lớn", một chuyên gia cứu trợ nước ngoài cảnh báo.
Sita, 20 tuổi, sống ở khu vực Sindhupalchok, phía bắc thủ đô Kathmandu, kể rằng một ông chú lừa cô "đi làm việc" ở Ấn Độ và bán cô vào nhà thổ tại thị trấn Siliguri tại Ấn Độ. Cô phải quan hệ tình dục với hàng trăm gã đàn ông và nhiễm HIV.
Cô được giải thoát hồi năm ngoái. Sindhupalchok là nơi bị động đất tàn phá nặng nề, khiến hơn 3.000 người chết và hàng trăm nghìn người rơi vào cảnh mất nhà cửa. "Hiện tại, tôi lo rằng các cô gái ở quê tôi cũng sẽ bị lừa bán đi và chịu cảnh cùng khổ như tôi", Sita nói.
Chuyên gia Danuwar cho biết phần lớn các băng đảng buôn người ở Ấn Độ và Nepal chuyên săn lùng các cô gái trẻ. Một số kẻ làm việc cho các băng đảng này thực chất không hề biết các cô gái bị bán vào nhà thổ mà tưởng rằng họ sẽ được hưởng công việc tốt ở Ấn Độ.
Ngoài chiêu lừa đi làm việc lương cao, một chiêu khác bọn buôn người thường dùng là mai mối kết hôn với người nước ngoài giàu có. Và sau khi động đất xảy ra, nhiều cô gái rơi vào cảnh trắng tay và rất dễ bị dụ dỗ.
Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá chính phủ Nepal chưa đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu để ngăn chặn nạn buôn người.