Nhiều cầu thủ nước ngoài tại Indonesia không có giấy phép nhưng vẫn ra sân thi đấu cho các CLB. Ảnh: Straits Times |
Theo AFP, tổng cộng có 81 cầu thủ lẫn HLV người nước ngoài đang làm việc tại Indonesia trong tình trạng bất hợp pháp. Trong số này có 29 người mang quốc tịch Brazil, số còn lại chủ yếu đến từ các quốc gia ở châu Á, châu Phi. Nhiều người trong số họ chỉ có thị thực du lịch với thời hạn lưu trú tại Indonesia chỉ 30 ngày. Nhưng thời điểm này, các thị thực trên đã quá hạn lâu. Theo luật pháp nước sở tại, những cầu thủ lẫn HLV kể trên đã phạm pháp.
“Dấu hiệu cho thấy có cầu thủ bất hợp pháp tại Indonesia. Chúng tôi làm việc với cơ quan về vấn đề nhập cư để điều tra cho rõ”, phát ngôn viên Bộ thể thao Indonesia Gatot Dewa Broto cho biết với AFP. Một khi quá trình điều tra hoàn tất, những người phạm pháp sẽ bị trừng phạt, có thể phải ở tù, nộp tiền phạt hoặc cả hai.
Những cầu thủ người nước ngoài từ lâu đã nhiều lần lên tiếng về việc bị các CLB Indonesia đối xử tệ bạc. Một số người đã chết vì bị các đội bóng nợ lương, đến nỗi không có khả năng thanh toán khi điều trị y tế. Việc nhiều người phạm pháp do vấn đề về thị thực cũng có một phần từ nguyên nhân khách quan.
Năm ngoái, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã quyết định cấm vận Indonesia do chính phủ nước này can thiệp quá sâu vào hoạt động của Liên đoàn bóng đá. Điều này khiến ĐTQG xứ vạn đảo không được tham dự các giải đấu quốc tế. Bên cạnh đó, giải VĐQG cũng bị đình trệ do sự đấu đá từ các bên. Chính điều đó đã khiến nhiều cầu thủ nước ngoài lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”.
Thông thường lúc đầu, họ đến thi đấu bằng thị thực du lịch. Khi đã ổn định, các CLB sẽ đăng ký với cơ quan nhập cư, giúp họ có giấy phép lao động để ở lại Indonesia lâu dài. Tuy nhiên quyết định của FIFA và sự rốn ren của thượng tầng Indonesia khiến một số người lâm vào cảnh phạm pháp do vấn đề thị thực.
Hiện tại, bóng đá Indonesia đã thoát án phạt từ FIFA. ĐTQG nước này đang tích cực chuẩn bị cho AFF Cup vào cuối năm. Tối 6/9, họ sẽ có trận giao hữu với Malaysia.