Tuy nhiên, những con số đằng sau thời gian năm phút này lại có ý nghĩa lớn hơn nhiều. Năm phút đó giúp rút ngắn quãng đường 86 cây số, tiết kiệm 180 kg nhiên liệu. Vì mỗi ngày có khoảng 50 chuyến bay nối TP.HCM với Hà Nội, mỗi năm có đến hàng ngàn chuyến bay và hàng triệu hành khách trên tuyến đường này, các con số sẽ lớn hơn theo cấp số nhân.
Chỉ với năm phút nhanh hơn, cả trăm triệu đô la Mỹ nhiên liệu sẽ được tiết kiệm hàng năm. Đó là chưa kể những lợi ích khác như chí phí vận hành, bảo dưỡng máy bay, giảm ô nhiễm môi trường. Do đó, không có lý do gì để không thực hiện đường bay thẳng.
Thế nhưng, nếu tính cả thời gian từ lúc hình thành ý tưởng ban đầu của cựu phi công Mai Trọng Tuấn năm 1983, phải mất đến hơn 30 năm, đường bay “ích nước, lợi nhà” này mới trở thành hiện thực.
Mỗi ngày có khoảng 50 chuyến bay nối TP.HCM với Hà Nội, chỉ với 5 phút nhanh hơn sẽ tiết kiệm cả trăm triệu đô la Mỹ tiền nhiên liệu mỗi năm. |
Sau khi những tranh cãi nảy lửa và mấy lần bị xếp xó, cuối cùng, cái đúng cũng đã được công nhận. Có điều, thông tin về việc thực hiện đường bay này lại khá mờ nhạt. Lẽ ra, nhiều phân tích thấu đáo phải được thực hiện, nhằm chỉ ra cho được vì sao một điều đúng như thế lại bị phủ định trong suốt thời gian qua - có phải nhờ tiến bộ công nghệ chăng? Đây là việc cần thiết không chỉ với mục đích quy trách nhiệm mà quan trọng hơn nhằm rút kinh nghiệm để bảo đảm rằng những cải tiến giúp tránh lãng phí cho Nhà nước và có lợi cho người dân phải được thực hiện triệt để.
Lấy ví dụ Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó nhiều con số mà tác động lan tỏa xã hội khi thực hiện có ý nghĩa không kém gì năm phút nhanh hơn của “đường bay vàng”. Đó không chỉ là thời gian mà còn là tiền của.
Trong khi doanh nghiệp ở các nước Đông Nam Á chỉ cần trung bình 172 giờ để nộp thuế, doanh nghiệp Việt Nam phải mất đến 872 giờ, thuộc loại “đội sổ” trong khu vực. Thủ tướng đã chỉ đạo ngay trong năm 2014, cơ quan thuế phải giảm bớt 200 giờ dành để nộp thuế cho doanh nghiệp. Thử hình dung con số này sẽ lớn biết bao nhiêu khi chúng ta nhân 200 giờ với xấp xỉ 500.000 doanh nghiệp hiện còn đang hoạt động tại Việt Nam.
Kết quả là gần 100 triệu giờ công sẽ được tiết kiệm. Ngoài số giờ công tiết kiệm, những lợi ích hiển nhiên khác kéo theo - như giảm thiểu chi phí hồ sơ, chi phí đi lại của nhân viên, giảm sự nhũng nhiễu của nhân viên thuế - chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí trong khi làm tăng khả năng cạnh tranh của họ.
Ở đây, như trường hợp của đường bay thẳng, ai cũng thấy các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh như trên là cần thiết như thế nào. Nhưng cần phải lưu ý rằng, cũng như đường bay thẳng, không phải cứ điều đúng là sẽ được công nhận. Chính phủ đã có nghị quyết, Quốc hội cũng đã nhóm họp lần hai trong năm. Cần phải bảo đảm rằng những giải pháp đã đề ra phải được thực hiện đến nơi đến chốn nhằm tiếp sức kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp nước nhà khi mà hiện nay theo đánh giá họ đang ở mức thấp nhất, cả thể chất lẫn tinh thần.