Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nam Phong, tờ báo không chỉ khơi dậy hứng thú quốc văn

Số Tết của Nam Phong năm 1918 gồm toàn văn thơ có giá trị mà theo Vương Hồng Sển “tập ấy là thủy tổ các số báo Xuân, báo Tân niên, báo đặc biệt vậy”.

Là một trong những tờ báo để lại ảnh hưởng to lớn trong làng báo Việt dạo đầu thế kỷ 20, Nam Phong tạp chí vì thế có một vị trí vững chắc trong lòng độc giả và có nhiều ảnh hưởng tới các văn thi sĩ bấy giờ. Trong hồi ký của những người theo nghiệp cầm bút dạo ấy, hiếm ai là không nhắc tới Nam Phong.

17 năm tuổi trong làng báo Việt

Nam Phong tạp chí trong trí nhớ của Nguyễn Công Hoan, do 5 người sáng lập, trong đó có Phạm Quỳnh, Lê Văn Phúc (Chủ nhà in Lê Văn Phúc, số 16 Hàng Hài (nay là đoạn đầu phố Hàng Bông). Trước đó gọi là nhà in Ký Bưởi do Bạch Thái Bưởi mở, sau nhường cho Lê Văn Phúc. Nhà in này in báo Nam Phong). Đồng thời theo lời cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Huỳnh Thúc Kháng tự truyện có Nguyễn Bá Trác: “Lúc bấy giờ đồng châu Nguyễn quân Tiểu Đẩu (Bá Trác, đệ tử Thai Xuyên, trước cùng xuất dương, sau quay về đầu thú làm việc tại Phủ Toàn Quyền, cùng Phạm Quỳnh lập Nam Phong tạp chí)”.

Nhà chơi cổ ngoạn Vương Hồng Sển (1904-1996), cũng là một tay chơi có tiếng về sách, khi Nam Phong tạp chí ra số đầu tiên năm 1917, họ Vương ở tuổi 13 và cho đến khi Nam Phong tắt tiếng năm 1934, thì tuổi họ Vương là 30 “tam thập nhi lập”. Ký ức về Nam Phong tạp chí được Vương Hồng Sển ghi lại qua Thú chơi sách. Theo đó ông cho hay tạp chí này ra được 210 số, và có một số nữa là số Tết năm 1918 gồm toàn văn thơ có giá trị mà theo ông “tập ấy là thủy tổ các số báo Xuân, báo Tân niên, báo đặc biệt vậy”. Vậy tính ra, Nam Phong tạp chí ra được 211 số chứ không phải là 210 như hiểu biết hiện nay.

Nam Phong tap chi anh 1
Nam Phong tạp chí số 6, tháng 12/1917. Ảnh: Đình Ba. 

Con đường phát triển của Nam Phong qua cái nhìn của họ Vương, được tóm lược vài nét. Theo ông thì Nam Phong tạp chí được chú ý nhiều nhất là khi những ký giả xuất sắc dạo ấy viết bài, giữ mục, như Phan Khôi giữ mục “Chương Dân thi thoại”, Nguyễn Bá Trác viết “Hạn Mạc du ký”, còn Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu góp mặt ở mảng thơ. Buổi ấy, Nam Phong tạp chí còn dưới bàn tay điều khiển của Phạm Quỳnh. Nhưng rồi, khi Phạm Quỳnh dừng bước báo chí mà sang chốn quan trường nơi đất Huế, báo được chuyển sang tay Nguyễn Tiến Lãng, con rể họ Phạm, thì từ số 194 (tháng 4/1934) cho đến số 210 (tháng 12/1934) Nam Phong hụt hơi rồi giã từ làng báo Việt.

Nam Phong tạp chí với nội dung truyền tải của mình, đã khơi gợi rất nhiều niềm đam mê, hứng thú với văn học Việt Nam, với quốc văn. Như Đào Duy Anh cho hay trong Nhớ nghĩ chiều hôm, khi còn học Cao đẳng tiểu học ở Quốc học Huế, đã được thầy Võ Liêm Sơn chọn đọc cho nghe những truyện ngắn của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn đăng trên Nam Phong tạp chí. Để từ đó mà “khêu gợi hứng thú của chúng tôi đối với quốc văn”. Và ấn tượng với họ Đào là: “Tôi tự học văn học Việt Nam và biết viết quốc văn phải nói thực một phần không ít là nhờ chuyên đọc tạp chí Nam Phong”. Ngay cả sau này dạy học ở Đồng Hới, thầy giáo trẻ Đào Duy Anh vẫn lấy Nam Phong tạp chí làm tài liệu tìm hiểu quốc văn và Hán văn. Còn Hồ Hữu Tường trong Lịch sử văn chương Việt Nam cho rằng một phần nhờ có Nam Phong tạp chí mà tiếng Việt ở nhiều lĩnh vực trở nên phong phú hơn “và những từ ngữ ấy, báo Nam Phong đem rải khắp mọi nơi. Các độc giả trẻ tuổi hình như được vở lòng, được dự bị mà đọc các sách khó khác”…

Tìm về dấu xưa với Nam Phong

Dẫu tính đến nay, đã hơn 100 năm kể từ ngày Nam Phong tạp chí gác bút trong chốn trường văn trận bút, nhưng những giá trị mà tờ báo này để lại cho lịch sử báo chí Việt nói riêng, và văn hóa nước nhà nói chung, vẫn được nhắc nhớ. Công việc nghiên cứu, tìm hiểu về Nam Phong tạp chí các thế hệ sau đã và đang làm với những phạm vi rộng hẹp khác nhau.

Nam Phong tap chi anh 2
Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong 1917-1934 của Nguyễn Khắc Xuyên. 

Còn nhớ dạo năm 1968, nhận thấy tạp chí này ngày càng trở nên hiếm, lại là một tài liệu có giá trị với lịch sử văn học nước nhà, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên đã viết cuốn Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong 1917-1934 với mục đích làm một cuốn chỉ nam, một thứ “chìa khóa” để mở kho tàng Nam Phong. Tác phẩm được chia làm hai phần cơ bản gồm mục lục theo tác giả và mục lục theo bộ môn, lại có phụ trương Pháp ngữ và mục lục các tranh ảnh.

Nhờ có cuốn sách công cụ trên, việc tra cứu tác giả, tác phẩm có trong các số báo Nam Phong trở nên thuận tiện hơn rất nhiều đối với những độc giả, nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về Nam Phong, hoặc hẹp hơn là về tác giả, tác phẩm có bài viết trên Nam Phong tạp chí. Tuy nhiên, điểm nhược là tác phẩm chủ yếu đề cập các bài viết ở phần quốc văn. Nam Phong tạp chí ngoài phần báo quốc ngữ, lại có cả phần Hán ngữ. Nhưng đến nay việc dịch các bài viết đó được thực hiện manh muốn và chưa đủ đầy. Tỉ như một số bài có giá trị về sử liệu: “Biểu dâng sách Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, hay bài điểm sách An Nam chí lược

Nam Phong tap chi anh 3
Mục lục đề yếu phần Hán văn tạp chí Nam Phong (1917-1934) mới xuất bản. Ảnh: Đình Ba. 

Để nối tiếp phần việc mà Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong 1917-1934 đã làm năm 1968, ấn phẩm Mục lục đề yếu phần Hán văn tạp chí Nam Phong (1917-1934) mới được xuất bản đã được thực hiện bởi nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân. Với tác phẩm này, tác giả phân ra hai phần chính là Mục lục tác giả và Mục lục phân loại theo lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… Ngoài ra còn có phần Mục lục hình ảnh, bản đồ và bảng tra tác giả.

Điểm đáng chú ý của tác phẩm là tác giả đã khảo cứu công phu toàn bộ các số Nam Phong tạp chí, chú trọng phần Hán văn, so sánh phần Hán văn đã được dịch ra quốc ngữ ngay ở Nam Phong tạp chí và phần chưa được dịch. Những liệt kê bài viết, tác giả, chủ đề… giúp người quan tâm dễ dàng biết thông tin mình cần và qua đó, tìm về những áng văn xưa, những vấn đề lịch sử thời điểm 1917-1934 sống động…

Chẳng hạn phần Hán văn có bài “Thánh dụ khuyến trứ thư lập ngôn”, chính là ứng với phần dịch quốc ngữ của Phạm Quỳnh ở số 6 của Nam Phong tạp chí với nội tiêu đề “Thánh dụ truyền cho quan dân trong nước phải chăm về đường lập ngôn trước thuật”. Qua đó ta biết được đôi điều về việc kêu gọi dân “lập ngôn” của vua Khải Định với đoạn: “… hễ ai tự thủa sinh bình, sẵn tài kinh tế, chuẩn cho tính nghĩ phương lược, làm thế nào cho dân được giàu thịnh, nước được văn minh, của nước dồi dào, giao lân hòa mục, để vui vẻ đón lấy cái hạnh phúc lâu dài…”.

Nam Phong tap chi anh 4
An Nam cung dịch kỷ sự của Chu Thuấn Thủy được đăng trên Nam Phong tạp chí. Ảnh: Đình Ba. 

Qua mục lục đề yếu này, ta được biết Nguyễn Bá Trác, Lê Dư là hai tác giả chiếm gần 1/3 dung lượng các bài viết Hán văn, hoặc những tên tuổi như Đạm Phương Nữ Sử, Ưu Thiên Bùi Kỷ, Đinh Gia Thuyết… đều từng có bài viết đăng trên báo Nam Phong. Hoặc báo dù thiên về văn học, nhưng những vấn đề kinh tế, chính trị, thậm chí là triết học cũng có mặt. Một số tác phẩm của người xưa nay đã được dịch ra quốc ngữ, nhưng dạo đầu thế kỷ 20 đã có mặt trên Nam Phong tạp chí, có thể kể đến Nam Hà tiệp lục của Lê Đản, Bắc hành lược ký của Lê Quýnh, Tây Sơn thuật lược khuyết danh…





Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm