"Trong các khu rừng ở Ấn Độ, rất khó để có được một bức ảnh chính xác về một con hổ đang chạy, vì tất cả đều là rừng rậm. Tôi đã cài đặt máy ảnh đủ nhanh để ghi lại hình ảnh con hổ đang chạy", nhiếp ảnh gia Thomas Vijayan cho biết trong một thông cáo báo chí. |
Xuất phát từ một thuật ngữ được sử dụng bởi những người săn chiến lợi phẩm ở châu Phi, "Big 5” mô tả những loài động vật khó săn bắn nhất: sư tử, voi, báo, tê giác và trâu. Ngày nay, thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi hơn để chỉ một số loài động vật lớn nhất và mang tính biểu tượng nhất của châu Phi.
Nhiếp ảnh gia người Anh Graeme Green muốn tạo ra một "Big Five” mới, mang tính toàn cầu để chụp ảnh động vật hoang dã.
Hướng máy ảnh tới động vật hoang dã thay vì bắn súng
Vào năm 2021, 50.000 người trên khắp thế giới đã bình chọn cho năm loài động vật mà họ muốn chụp ảnh nhất hoặc xem ảnh đã chụp trong tự nhiên. Năm con vật được bình chọn nhiều nhất là: voi, gấu bắc cực, sư tử, khỉ đột và hổ.
Kết quả của dự án này là cuốn sách ảnh The New Big 5, trong đó có hình ảnh của những loài động vật đó và các động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng khác. Người chụp là các nhiếp ảnh gia như Ami Vitale, Steve McCurry và Paul Nicklen. Ngoài ảnh, sách cũng có các bài tiểu luận của các nhà hoạt động và bảo tồn nổi tiếng như Jane Goodall, Paula Kahumbu.
Green nói rằng cuốn sách tôn vinh động vật hoang dã và là lời kêu gọi toàn cầu hành động để ngăn chặn việc phá hủy môi trường sống.
Ý tưởng về "Big Five" mới của Green đã nảy ra từ cách đây khoảng một thập kỷ. Anh mong muốn thực hiện một dự án khuyến khích mọi người “bắn bằng ống kính máy ảnh chứ không phải bằng súng”.
“Tôi nghĩ đây sẽ là một cách khiến mọi người thực sự tập trung vào động vật hoang dã, nghĩ về động vật hoang dã mà họ yêu thích, nghĩ về những loài động vật đang gặp nguy hiểm”, Green nói.
Tham gia dự án New Big 5, nhiếp ảnh gia Tim Laman chia sẻ: "Tôi rất hào hứng với dự án. Nó nói lên điều gì đó tích cực về thế giới của chúng ta rằng mọi người đang quan tâm đến việc chụp ảnh động vật hoang dã hơn là giết hại chúng. Chúng ta còn một chặng đường dài phía trước trong việc bảo tồn động vật hoang dã. Tôi hy vọng dự án này có thể thu hút nhiều sự chú ý hơn đến nhiều mối đe dọa mà động vật phải đối mặt".
Virginia McKenna, từ Born Free Foundation, cho rằng Big 5 ban đầu được những người săn bắn coi là chiến lợi phẩm mà họ muốn treo lên tường nhất. Tuy vậy xã hội đã thay đổi và cuộc săn chiến lợi phẩm đang dần biến mất.
Nhiếp ảnh gia người Anh Graeme Green là người sáng lập dự án New Big 5, một sáng kiến bảo tồn quốc tế được hỗ trợ bởi các nhiếp ảnh gia, nhà bảo tồn và tổ chức bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: Andrea Moreno. |
Lời nhắc nhở về những gì chúng ta sắp đánh mất
Cuốn sách The New Big 5 bao gồm tác phẩm của 144 nhiếp ảnh gia động vật hoang dã nổi tiếng toàn cầu, từ Ecuador đến Ấn Độ. Green cho biết việc lựa chọn, sắp xếp các hình ảnh mất gần hai năm.
Green nói: “Tôi nghĩ đây là một số hình ảnh đẹp và sáng tạo nhất mà tôi từng thấy trong một cuốn sách. Đây là những loài có nguy cơ bị biến mất”. Theo Liên Hợp Quốc, thiên nhiên đang suy giảm với tốc độ chưa từng có, với khoảng một triệu loài động vật và thực vật trên hành tinh đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Green cho biết động vật trong nhóm “New Big 5” cũng đang bị đe dọa, chúng có thể đóng vai trò là đại diện cho những gì đang xảy ra trong thế giới tự nhiên.
Ngoài việc là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về những gì chúng ta có thể đánh mất, cuốn sách còn hướng mọi người đến các giải pháp tiềm năng. Các bài tiểu luận nổi bật khám phá những lợi ích của việc xây dựng lại và tầm quan trọng của các cộng đồng bản địa trong việc bảo tồn.
Bìa sách The New Big 5, sách phát hành ngày 4/4. Ảnh: Simon & Schuster. |
Một chương về các loài có nguy cơ tuyệt chủng từ ong đến cá voi xanh minh họa mối đe dọa đáng báo động mà biến đổi khí hậu gây ra cho các loài động vật bên ngoài “New Big 5”.
Green nói: “Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm - tôi có thể đưa vào hàng nghìn bức ảnh vì đó là tình hình nghiêm trọng như thế nào".
Jane Goodall, một nhà bảo tồn hàng đầu, người cũng viết lời bạt cho cuốn sách, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng “chúng ta có một khoảng thời gian để bắt đầu chữa lành một số tổn hại mà chúng ta đã gây ra cho thế giới tự nhiên, nhưng chỉ khi chúng ta cùng nhau và hành động ngay bây giờ.
“Tôi hy vọng những bức ảnh sẽ đưa mọi người vào thế giới tuyệt vời của những loài mang tính biểu tượng này. Sau đó, có lẽ những người khác sẽ tham gia vào việc giúp tạo ra một thế giới nơi động vật hoang dã có thể phát triển cho các thế hệ tương lai được tận hưởng” Jane Goodall nói.