Các doanh nhân Việt Nam trải qua một năm đặc biệt với những khó khăn chưa từng có. Tuy vậy, họ vẫn cố gắng lèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hướng tới những cơ hội trong tương lai.
Phải bán 3 căn chung cư, một căn shophouse và một mảnh đất ven biển rộng cả nghìn m2 để lấy tiền trả lương cho nhân viên và duy trì hoạt động của hệ thống là điều bà Đặng Thanh Hằng - Chủ tịch Tập đoàn Thanh Hằng (sở hữu chuỗi Thanh Hằng Beauty Medi) - kể lại.
“Dịch Covid-19 là dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp của tôi. Trong 32 năm kinh doanh, chưa bao giờ tôi có cảm giác lo lắng, buồn bã như năm nay”, bà Thanh Hằng chia sẻ.
Thuộc ngành nghề làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, Thanh Hằng Beauty Medi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Hầu hết cơ sở kinh doanh đóng cửa, nhân viên không có việc làm. Việc cầm cự, lèo lái doanh nghiệp qua những khó khăn khiến nữ doanh nhân gầy hẳn đi.
Năm 2021 tạo ra những khó khăn chưa từng có với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Hơn 90% doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, cứ 10 doanh nghiệp Việt thì có một phải rút khỏi thị trường. Nhiều công ty đã hoạt động nhiều năm như Thanh Hằng Beauty Medi cũng đứng trước bài toán tồn tại.
Với nhiều doanh nhân Việt Nam, “năm Covid-19” đặc biệt không chỉ ở chỗ phải cầm cự vượt qua khó khăn, mà còn đặc biệt ở việc tính toán hướng đi kinh doanh mới cho sau này.
“Bàng hoàng” là từ mà bà Nguyễn Thị Lan Hương - Tổng giám đốc Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam - miêu tả khi nhớ lại khoảnh khắc nhận thông tin Hà Nội siết giãn cách xã hội, dừng hết các hoạt động không thiết yếu vào ngày 3/5.
“Lúc đó là chiều tối, khi vừa về đến nhà thì Phòng hành chính nhân sự thông báo doanh nghiệp lại tiếp tục bị đóng cửa theo quy định giãn cách mới. Tâm trạng của tôi rất khó tả”, bà Lan Hương nhớ lại.
Là doanh nghiệp trong lĩnh vực trị liệu, bà Hương nói rằng mỗi đợt giãn cách, Sen Tài Thu luôn phải đóng đầu tiên, nhưng được mở cuối cùng vì bị cho là ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao, không thiết yếu.
Trong thời gian đóng cửa, doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, các hoạt động kinh doanh tê liệt, doanh thu sụt giảm, gần 1.000 lao động gần như không có việc làm. Mọi kế hoạch kinh doanh của năm 2021 đành phải gác lại.
Việc đầu tiên của bà khi đó là nhanh chóng hỗ trợ đưa lao động về quê, bàn giao tới từng địa phương, bởi nếu giãn cách quá lâu, đời sống của người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
“Đóng băng” hoạt động cũng là tình cảnh của chuỗi cắt tóc 30Shine. Trước dịch, đây là chuỗi cắt tóc nam có sự phát triển “thần kỳ” với gần 80 địa điểm kinh doanh ở 18 tỉnh, thành phố, với hàng nghìn nhân viên.
CEO 30Shine Nguyễn Huy Hoàng nhớ lại dòng tiền của doanh nghiệp sụt giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 15% ban đầu đến từ các tỉnh không giãn cách xã hội và bán hàng online.
Bài toán mặt bằng cũng là vấn đề khó khăn khi các địa điểm kinh doanh đều là vị trí đắc địa, rộng hàng trăm m2, hợp đồng thuê cũng đã ký cả năm trước. Rất may, nhiều chủ mặt bằng đã hỗ trợ tiền thuê.
"Dịch bệnh ập đến quá nhanh sau đó khiến doanh nghiệp phải đổi trạng thái từ đầu tư mạnh sang phòng thủ để tồn tại", CEO Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ.
Chủ tịch Thanh Hằng Beauty Medi cho biết doanh thu của doanh nghiệp đã giảm rất nhiều, năm 2020 giảm 50%, năm 2021 giảm 70%. Doanh nghiệp không dám tiếp tục mở rộng hệ thống, tạm dừng phòng khám ở các tỉnh, chỉ tập trung kinh doanh phòng khám ở Hà Nội và TP.HCM.
Đặc thù của doanh nghiêp còn là khó khăn về nhân sự khi 90% các bác sĩ là người nước ngoài. Khó khăn đi lại của các bác sĩ khiến hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng nặng nề.
Theo thống kê của VCCI, trong 8 tháng đầu năm 2021, trên thị trường cứ 10 doanh nghiệp thì có 1 phải rút lui, trung bình mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
“Đằng sau mỗi doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là sự mất đi sinh kế, nguồn sống của nhiều người lao động và sự suy giảm của nền kinh tế”, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, chia sẻ.
Với đợt giãn cách kéo dài 4 tháng qua, tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt… nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất.
Tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thủy sản sản, giao thông vận tải.
Cũng theo khảo sát của VCCI, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong lúc dịch bệnh. Nói cách khác, cứ 10 doanh nghiệp có 9 phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan.
Với những người đứng đầu mỗi doanh nghiệp, để cầm cự hay duy trì được hoạt động của doanh nghiệp trong những tháng giãn cách lịch sử là một thử thách chưa có trong tiền lệ.
Những ngày tháng 7, tháng 8, bà Lê Thị Hồng phải chạy đôn chạy đáo cùng chồng lo sản xuất “3 tại chỗ”. Vợ chồng bà điều hành Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng Gỗ Đông Hòa, một công ty gỗ cỡ vừa ở Dĩ An (Bình Dương) với gần 100 công nhân. Để duy trì các đơn hàng xuất EU, doanh nghiệp “cửa đóng, then cài” sản xuất bên trong, với 50% lượng công nhân.
Chồng bà chấp nhận xa gia đình, vào xưởng ăn, ngủ, làm việc cùng công nhân. Bà Hồng ở nhà lo tiếp tế lương thực, thực phẩm vào xưởng; mua nhu yếu phẩm hỗ trợ số công nhân bị cắt giảm đang phải sống ở các khu trọ gần đó.
“Đó là những ngày tháng không thể nào quên”, bà Hồng chia sẻ.
Những trải nghiệm mới, những trải nghiệm đặc biệt trong năm đặc biệt là điểm chung của nhiều doanh nhân Việt Nam. Không ít người tìm được những điều tích cực hơn, có những khoảng “sống chậm” hơn thay vì bận rộn làm ăn, kinh doanh như trước kia.
Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco - bộc bạch dịch Covid-19 là cơ hội gắn kết gia đình. Ông cảm thấy hạnh phúc khi ngày 3 buổi ăn cơm với con trong những ngày giãn cách xã hội.
“Covid-19 chính là cơ hội. Trước hết là cơ hội được trải nghiệm, được thư giãn, được sống chậm, quay về với nền tảng văn hóa của người Việt”, ông Tiền chia sẻ.
Ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch Công ty Cổ phần Thiên Long - nói rằng bản thân đã trải qua 2 lần khủng hoảng, song lần này kinh khủng hơn rất nhiều. Dịch năm nay ảnh hưởng không chỉ kinh tế mà còn ảnh hưởng cả cá nhân và gia đình, sự nghiệp.
Bản thân ông đã làm và sống theo tam giác, giống như “kiềng 3 chân” gồm cá nhân, gia đình và sự nghiệp. Cách đây 20 năm, ông chỉ tập trung vào sự nghiệp nhưng thời điểm hiện nay đỉnh của tam giác là cá nhân. Trong một ngày, ông dành 1-2 tiếng để tập trung cho cá nhân, tái tạo năng lượng.
“Covid-19 đến cũng là một cơ hội để sống chậm. Tôi tương tác, chia sẻ nhiều hơn, cảm thấy sự tích cực của gia đình. Tôi gọi đó là năng lượng của gia đình”, ông Thọ nói.
Bà Nguyễn Ngọc Mỹ - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Alphanam - lại có một trải nghiệm thật thú vị, khi là một trong những thành viên cùng tổ chức chương trình “siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng”. Đó là một chương trình đặc biệt có sự phối hợp của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước, mở hàng chục điểm bán hàng "0 đồng" để chia sẻ khó khăn với công nhân, người nghèo, người lao động… trong lúc giãn cách xã hội.
"Mọi thứ tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng trong lúc dịch lại không hề đơn giản. Chúng tôi phải ngồi cùng nhau, gỡ rối từng vấn đề như địa điểm, tài chính, nguồn hàng... Tất cả đều là lần đầu tiên", bà chia sẻ.
Một trải nghiệm thú vị nữa là lo giấy tờ, thủ tục, xin cấp phép cho một siêu thị 0 đồng, mô hình đặc biệt chưa từng có tiền lệ. Bởi kinh doanh siêu thị cũng cần những điều kiện nhất định, trong khi mô hình này lại mang tính chất “dã chiến”. Bà Ngọc Mỹ phải dừng hoàn toàn việc điều hành ở doanh nghiệp trong một tuần để tập trung lo cho một "công việc" hoàn toàn mới.
“Đó là một trải nghiệm không thể nào quên, nhưng cũng rất tự hào và hạnh phúc. Tôi mong dịch sẽ sớm qua đi, những ngày tươi đẹp sẽ trở lại”, bà Ngọc Mỹ chia sẻ. "Siêu thị 0 đồng" đã giúp đỡ hàng chục nghìn người.
Tương tự, ông Đặng Hồng Anh - Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam - cũng có một sự bận rộn đặc biệt, đó là điều hành chương trình “ATM oxy” ở TP.HCM. Chương trình do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Thành Đoàn TP.HCM và một số doanh nghiệp triển khai.
Chương trình đã cung cấp oxy miễn phí cho hơn 400 trạm y tế lưu động, tương đương với việc hỗ trợ oxy miễn phí cho khoảng 4.000 bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày. Điều đó giúp hỗ trợ hàng chục nghìn lượt bệnh nhân trong những ngày bệnh dịch căng thẳng ở TP.HCM.
Không những vậy, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao tặng nhiều thiết bị vật tư y tế, tổ chức ATM gạo, ATM oxy, ATM F0 chống dịch, ATM túi thuốc cứu người, ATM nguồn nhân lực tiêm vaccine, Chương trình ủng hộ 100.000 suất ăn miễn phí cho đồng bào nghèo tại TP.HCM, Chuyến xe tình nghĩa doanh nhân trẻ Việt Nam…
“Chúng tôi hoạt động liên tục, không ngừng nghỉ để hỗ trợ và lan tỏa”, ông Hồng Anh bộc bạch.
Tuy chịu nhiều khó khăn chưa từng có trong lúc dịch bệnh, nhiều doanh nhân Việt Nam vẫn tỏ ra lạc quan, nhìn thấy những cơ hội phía trước, khi dịch bệnh được kiểm soát, đất nước dần mở cửa.
Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền nói rằng dịch bệnh chính là cơ hội phát triển công nghệ số cho Việt Nam. Ông kiến nghị Chính phủ nhân dịp này thực hiện ngay việc chuyển đổi số cả hệ thống chính trị, xã hội, doanh nghiệp. Tập trung quản trị bộ máy Nhà nước, quản trị con người bằng công nghệ. Sẵn sàng nhập khẩu, chuyển giao và liên kết công nghệ của thế giới. Đây có thể là tiền đề quan trọng để đưa đất nước phát triển nhanh hơn nữa.
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thì cho rằng doanh nghiệp phải luôn sẵn sàng thích ứng với những khó khăn. Ông cho biết FLC ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch gần 2 năm qua, nhưng vẫn chuẩn bị sẵn tinh thần để ứng biến với mọi tình huống.
Theo ông Quyết, FLC luôn sẵn sàng các phương án, kịch bản, kể cả là xấu nhất, nếu được đi lại, được mở cửa lúc nào hay lúc đó. Dịch bệnh tại Việt Nam có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nên hoạt động được một ngày là mở cửa một ngày; một nhân viên đi làm một ngày có thể nuôi cả gia đình trong một ngày, làm một tuần là gia đình sống được một tuần.
“Vậy nên, luôn sẵn sàng chuẩn bị mở cửa, kể cả tận dụng một ngày ra đường để có được dòng tiền, có được lương thảo, kể cả là lay lắt cũng được. Làm doanh nghiệp thì chấp nhận lời ăn lỗ chịu, làm hết khả năng của mình để tồn tại”, ông chủ Bamboo Airways chia sẻ.
Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - cho rằng sự vào cuộc của chính quyền chính là cơ hội giúp doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh một cách nhanh chóng. Ví dụ như Hà Nội có hàng trăm bộ hồ sơ đang tồn đọng chưa thể giải quyết, còn TP.HCM thì rất ít dự án được cấp phép xây dựng, đó chính là những điểm nghẽn khó khăn cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp không xin tiền mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế. Dịch nguy hiểm hơn Covid-19 chính là sự ách tắc về thủ tục hành chính, sự chồng chéo của các bộ luật, nghị định”, ông Anh Dũng nhấn mạnh.
Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính nói rằng doanh nghiệp phải xây dựng 6-7 kịch bản ứng phó, 3 phương án kinh doanh để ứng phó với dịch. Ông mong muốn doanh nghiệp có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với các báo cáo, kế hoạch, chương trình ứng phó của Chính phủ. Như vậy mới có thể định hình kế hoạch kinh doanh cho doanh nghiệp đến 2022-2023.
Tổng giám đốc Sen Tài Thu Nguyễn Thị Lan Hương thì nói rằng thời gian giãn cách xã hội chính là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại, thay đổi chiến lược kinh doanh, tinh chỉnh sao cho thích ứng với dịch tốt hơn.
Dịch bệnh khiến doanh nghiệp đẩy nhanh tái cơ cấu, tách riêng cách mảng kinh doanh. Ngoài trị liệu, doanh nghiệp còn nhiều dịch vụ như ăn uống, được phẩm - được liệu, dịch vụ phòng khám. Doanh nghiệp cũng chú trọng hơn kênh phân phối online, đóng gói lại sản phẩm phù hợp online, cơ cấu lại nhân sự và vận hành phù hợp tình hình mới.
Các chi nhánh cũng được làm mới, gọn nhẹ hơn, chia nhỏ hơn. Khi một chi nhánh bị đóng cửa bởi phong tỏa ở khu vực này, thì các chi nhánh khác sẵn sàng hỗ trợ. Các sản phẩm dịch vụ cũng được thiết kế phù hợp hơn để ứng phó dịch bệnh. Doanh nghiệp này còn kỳ vọng 2022 sẽ xây dựng các mô hình kinh doanh tích hợp bên trong các trung tâm thương mại, hướng đến đối tượng khách hàng trẻ hơn, đa dạng hơn.
CEO 30Shine Nguyễn Huy Hoàng cho biết doanh nghiệp đã may mắn vượt qua và đã sẵn sàng làm lại từ đầu, đầu tư mạnh và phục vụ khách hàng với năng lượng cao nhất.
Trong giai đoạn này, qua các tổ chức như Endeavour và các cộng đồng startup, 30Shine và rất nhiều doanh nghiệp bạn bè có dịp kết nối và chia sẻ với nhau. "Chúng tôi học hỏi được từ nhau nhiều và cảm thấy được tiếp thêm rất nhiều năng lượng để đổi mới, bước tiếp", Huy Hoàng chia sẻ.
Bà chủ Thanh Hằng Beauty Medi kể lại câu chuyện có người hỏi bà rằng: “Với số tài sản đang có, chị có thể sống sung sướng đến cuối đời, tại sao phải hy sinh và khổ sở làm gì?”. Bà chỉ trả lời đơn giản: “Tôi phải có trách nhiệm với chính nhân viên và khách hàng đã tin tưởng tôi”.
Bà nói rằng bất cứ doanh nhân nào, khi thấy những người đã sát cánh cùng mình, khách hàng tin tưởng vào mình gặp khó khăn thì không thể buông bỏ. Việc duy trì doanh nghiệp, vượt qua khó khăn không chỉ là trách nhiệm với bản thân, mà còn với xã hội, với đất nước. Đó cũng là động lực để bà vượt qua những khó khăn để tiến tới những cơ hội mới.
“Sự tin tưởng của khách hàng, của đồng nghiệp, của nhân viên chính là cuộc sống của tôi”, bà Thanh Hằng khẳng định.