Sau khi Quốc hội thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, câu hỏi được nhiều người đặt ra là luật hiện nay cần quy định thêm những điều khoản gì để người chuyển giới thật sự được công nhận và sống với giới tính thật của mình.
Người chuyển giới sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự thế nào?
Theo ThS.BS Hồ Mạnh Tường (Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM), khi thực hiện quá trình chuyển giới, sự biến chuyển về nội tiết của người chuyển giới sẽ ảnh hưởng đến thể chất.
Một chàng trai ôm lấy người bạn của mình trong buổi diễu hành mừng quyền chuyển giới mới được thông qua. |
Nhiều người cho rằng nghĩa vụ quân sự sẽ là một điểm khúc mắc khi xây dựng luật cho người chuyển giới. Nam chuyển giới có được miễn đi bộ đội? Nữ chuyển giới có phải đi bộ đội?
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết, theo quy định tại Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016), thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
Khác với công dân nam bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, công dân nữ chỉ thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp công dân nữ tự nguyện, đồng thời quân đội có nhu cầu (phục vụ tại ngũ) hoặc công dân nữ có ngành, nghề chuyên môn phù hợp (thực hiện phục vụ trong ngạch dự bị).
“Vì vậy, tôi cho rằng sau khi thực hiện chuyển giới từ nữ sang nam, công dân đó nếu trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng sẽ phải thực hiện theo quy định của luật này tương ứng với quyền, nghĩa vụ của giới tính sau khi chuyển đổi của mình.
Nếu quy định người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam phải thực hiện nghĩa vụ quân sự thì sẽ có trường hợp trốn tránh bằng cách không đăng ký thay đổi hộ tịch cho đến hết tuổi. Còn trường hợp nam chuyển sang nữ thì sẽ nhanh chóng đăng ký hộ tịch để không phải thực hiện nghĩa vụ.
Cindy Thái Tài cho biết, chị đã chờ đợi ngày được công nhận hơn 15 năm nay. |
Việc quy định người chuyển giới có phải thực hiện nghĩa vụ quân sự hay không cần phải có kết luận của cơ quan y tế về thể chất của người chuyển giới mới thực hiện được”, LS Nguyễn Văn Hậu nhận định.
Luật đảm bảo quyền con người
LS Hậu cho rằng Quốc hội thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự thay đổi về nhận thức, tư duy làm luật tại Việt Nam.
“Từ việc pháp luật nghiêm cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 5/8/2008, chúng ta đã có suy nghĩ cởi mở hơn, chấp nhận cho phép chuyển đổi giới tính tại Việt Nam.
Quy định này là phù hợp với bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay khi định kiến đối với cộng đồng những người đồng tính, chuyển giới… đã thoáng hơn, cởi mở hơn; không còn sự phân biệt đối xử hay kỳ thị quá khắt khe như trước”, LS Hậu nhận xét.
LS Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn luật sư TP HCM bày tỏ quan điểm đồng cảm rằng có trong hoàn cảnh của những người mà chúng ta thường gọi là “giới tính thứ ba” thì mới hiểu hết sự cần thiết của việc thừa nhận này.
Lâm Chi Khanh thì cho biết ước mong được kết hôn và có hôn thú như bao người phụ nữ bình thường khác. |
"Quốc Hội cũng đã thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi) ghi nhận quyền này là một điểm đáng mừng", LS Hiệp nói.
Cần có những quy định cụ thể
Theo LS Nguyễn Văn Hậu, nên sớm xây dựng quy định luật pháp cụ thể về việc chuyển đổi giới tính để quyền này không chỉ là một “quyền treo” trên giấy tờ.
“Khi xây dựng Luật về chuyển đổi giới tính, cần phải quy định một cách chặt chẽ về điều kiện, trình tự, thủ tục… chuyển đổi giới tính. Để làm được điều này, cần có thời gian, điều kiện để nghiên cứu, khảo sát trên thực tế.
Cần xem xét về trình độ y khoa, điều kiện cơ sở, vật chất của các cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam. Người đề nghị chuyển đổi giới tính cần phải được tư vấn về sức khỏe, về pháp lý, tâm lý trước khi thực hiện kỹ thuật này”, LS Nguyễn Văn Hậu nhận định.
Ngoài ra, việc chuyển đổi giới tính cũng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy phát sinh về mặt pháp lý như giấy tờ chứng minh nhân thân, hộ chiếu, hộ khẩu, quản lý hành chính của cơ quan nhà nước hay việc thực hiện các giao dịch dân sự của công dân.
"Chàng trai" Chu Thanh Hà cầm trên tay tấm biển với dòng chữ "Cảm ơn Quốc hội" Hà tự nhận mình là một người chuyển giới từ nữ sang nam. |
Do đó, cần rà soát lại các văn bản để tránh mâu thuẫn trong quy định của pháp luật, khiến việc thực hiện quyền bị khó khăn trên thực tế.
Theo LS Huỳnh Phước Hiệp, cần có quy định để tránh gây khó khăn cho người chuyển giới trong trường hợp họ thực hiện chuyển giới ở nước ngoài, khi về qua cửa khẩu hải quan có ngoại hình hoàn toàn khác với lúc trước chuyển giới.
LS Nguyễn Văn Hậu cho rằng luật cần có những quy định hạn chế để việc chuyển đổi giới tính không phải là quyết định nhất thời, bộc phát của một bộ phận cá nhân không nhận thức chín chắn, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội không hay.