Quốc hội vừa thông qua Luật Dân sự (sửa đổi), cho phép cá nhân chuyển đổi giới tính, xác định lại giới tính. Để làm rõ hơn nội dung này, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trường Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Phẫu thuật ngay tại Việt Nam
"Nhu cầu được chuyển đổi giới tính là vấn đề tồn tại trong thực tế, chúng ta cần thừa nhận để giải quyết, không nên né tránh. Xét về góc độ quyền con người, việc cho phép chuyển đổi giới tính là việc làm ý nghĩa và nhân văn cao, giúp họ được sống thật với giới tính của mình", ông Quang nêu quan điểm.
Theo ông Quang, hiện Việt Nam có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có. Trong đó có khoảng 500-1.000 người đã chuyển đổi giới tính ở nước ngoài, chủ yếu phẫu thuật chui, vừa tốn kém, vừa chịu nguy cơ rủi ro cao.
Tuy nhiên do trước đây pháp luật chưa thừa nhận nên cuộc sống người chuyển đổi giới tính gặp nhiều trở ngại như không được công nhận về nhân thân, không được thay đổi giới tính trên giấy tờ vì thế họ gặp rất nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch dân sự, không được bảo vệ trong các trường hợp diễn ra tội phạm liên quan đến hiếp dâm, hộ tịch, kết hôn...
TS Nguyễn Huy Quang. |
"Giờ được thừa nhận thì tất cả những người đã hoàn thiện về giới tính nhưng tư tưởng, hành vi ngược lại hình hài thì sẽ được xác định lại giới bằng cách can thiệp y học", ông Quang cho hay.
Trước câu hỏi cơ sở y tế nào sẽ đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính, ông Quang khẳng định Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các kỹ thuật về y học. Dù chuyển nữ sang nam khó hơn nhưng các bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt đều có khả năng thực hiện được kỹ thuật này cũng như sử dụng liệu pháp hormone sau phẫu thuật.
Dù vậy, ông Quang cho rằng, để thực hiện được việc chuyển đổi giới tính cần phải xây dựng có đạo luật riêng như luật chuyển đổi giới tính. Ông hy vọng trong nhiệm kỳ tới của Quốc hội có thể được thông qua để có đầy đủ cơ sở pháp lý khi chuyển đổi.
Cần sống thử giới tính trước khi phẫu thuật
Theo ông Quang, thực tế một số người sau khi chuyển đổi giới tính chưa thích nghi kịp với nhiều thay đổi của cuộc sống mới và không thoả mãn thật sự với giới tính mới dẫn đến trầm cảm, thậm chí là tự tử.
"Người đã chuyển đổi giới tính sẽ không bao gườ có con nếu quan hệ tình dục thông thường. Nếu có con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cũng sẽ dẫn đến nhiều bi kịch như khi có con ai sẽ là bố, ai là mẹ, con cái gọi họ thế nào, xã hội nhìn nhận đứa trẻ này ra sao... Nhiều người chưa xác định được việc này", lời ông Quang.
Ông Quang cũng lưu ý, khi chuyển đổi giới tính sẽ có những hệ quả lâu dài về sức khỏe. Quá trình tiêm hormone suốt đời khiến cơ thể có nguy cơ mắc bệnh tật cao hơn, đặc biệt là ung thư. Tuổi thọ của người chuyển giới có thể giảm 20 năm.
Do đó ông Quang cho rằng, trước khi chuyển đổi giới tính cần tìm hiểu rõ những việc này và để tránh trường hợp hối hận sau khi chuyển giới tính cần phải có những trình tự chuẩn bị trước khi chuyển đổi.
"Ví dụ người nam muốn chuyển đổi giới tính sang nữ cần phải có thời gian sống thử với mọi hoạt động thường ngày của phụ nữ như mặc váy, tô son đánh phấn, đi giày cao gót, các sở thích của nữ giới... Ngược lại, khi nữ muốn chuyển thành nam cũng cần phải sinh hoạt như nam giới như tham gia các hoạt động thể thao, làm việc nặng, chân tay trong khoảng thời gian từ 1-2 năm. Khi thấy mình phù hợp mới quyết định để y học can thiệp chuyển đổi giới tính. Ở Thái Lan, khoảng thời gian sống thử là 1 năm", ông Quang đề xuất.
Để tạo thuận lợi cho người chuyển đổi giới tính, ông Quang cho biết sau khi thực hiện xong, ngành y tế sẽ cấp 1 giấy chứng nhận xác nhận đã phẫu thuật chuyển giới để từ đó làm căn cứ khai báo các thủ tục pháp lý cũng như sinh hoạt khác.