Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nắm bắt thói quen và nhu cầu đọc sách của con

Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, làm gương cho con; hiểu nhu cầu, tâm lý của con để chọn sách phù hợp.

Tại buổi chia sẻ “Làm bạn cùng con qua những trang sách” diễn ra trong khuôn khổ Hội sách thiếu nhi TP.HCM (đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM) ngày 23/7, nhà văn Phương Huyền và chuyên gia nghệ thuật ứng dụng trong giáo dục Lê Thị Hòa An đã gợi ý các bậc phụ huynh phương pháp khơi nguồn tình yêu đọc sách cho con. Từ đó giúp con nuôi dưỡng đam mê đọc sách, phát triển toàn diện về tri thức lẫn tâm hồn trẻ.

Làm bạn cùng con qua những trang sách

Theo chuyên gia Lê Thị Hòa An, để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách của con, trước hết cha mẹ cần hiểu được “gu” đọc của con. Để làm được điều đó đòi hỏi cha mẹ phải quan sát con, tìm hiểu và trả lời các câu hỏi: Con mình thích đọc thể loại sách gì? Bé thích đọc sách tranh hay nhiều chữ? Con thích đọc cùng ba mẹ hay thích ngâm mình vào thế giới riêng của sách?...

Sau khi hiểu được sở thích của con rồi, hãy tạo cho con môi trường và cách truyền động lực phù hợp. Chỉ có ba mẹ mới hiểu rõ nhất con mình là ai? Con cần điều gì nhất? Hiểu con là bước đầu trên hành trình nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho trẻ.

Lam ban cung con qua trang sach anh 1

Các diễn giả tại buổi chia sẻ “Làm bạn cùng con qua những trang sách”. Ảnh: Ánh Dương

Bàn về vấn đề này, nhà văn Phương Huyền cho rằng để đồng hành cùng con trên hành trình phát triển, bên cạnh hiểu tính cách con, các bậc phụ huynh còn cần phải nắm bắt con mình tiếp thu hiệu quả theo phương thức nào. “Có người tiếp thu thông tin hiệu quả qua âm thanh, có người lại nhạy bén với hình ảnh, không phải ai cũng thích đọc câu chữ”, nhà văn cho biết.

Ví như nếu bé tiếp thu hình ảnh tốt hơn cha mẹ nên chọn cho con những cuốn sách nhiều hình ảnh đẹp, bắt mắt. Khi đọc sách cùng bé, khoan đi vào nội dung vội mà hãy thảo luận với con về bìa sách chẳng hạn, đặt cho bé các câu hỏi xung quanh hình ảnh như con cảm thấy bìa sách thế nào? Con thích màu sắc, hình vẽ nhân vật này không… bởi đó là những điều thu hút bé đầu tiên. Sau đó mới từ từ dẫn dắt con vào bên trong cuốn sách.

Bên cạnh đó, nhà văn Phương Huyền cũng lưu ý mỗi độ tuổi sẽ có “gu” đọc và cách tiếp cận vấn đề không giống nhau, “bạn có thể đọc sách cho một bé 4 tuổi nhưng khi 14 tuổi thì chỉ nên đứng ngoài quan sát và định hướng cho trẻ”, nhà văn Phương Huyền nói.

Nhà văn gợi ý các bậc phụ huynh nên dành thời gian đưa con đi nhà sách, đường sách để các con tự chọn theo sở thích đọc cá nhân. Từ sở thích đó, phụ huynh có thể tìm hiểu, gợi ý thêm cho bé những cuốn sách hay cùng chủ đề. Với giai đoạn này cha mẹ chỉ cần giám sát, định hướng, truyền cảm hứng cho con là đủ.

Cùng con đọc sách, cùng con lớn khôn

Trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để khơi nguồn đam mê đọc sách cho con từ nhỏ?”, nhà văn Phương Huyền nhấn mạnh vai trò của cha mẹ trong việc định hướng, làm gương cho con.

“Nhiều người thường nói đùa rằng trẻ con thời nay phải vượt sướng bởi trẻ có quá nhiều sự lựa chọn thú vị giải trí như phim ảnh, mạng xã hội, trò chơi điện từ… Chính vì vậy ba mẹ cần phải hình thành thói quen đọc cùng con, chơi cùng con mà chỉ hô hào con đọc sách thì con sẽ không thể cảm, hiểu và làm theo được”.

Lam ban cung con qua trang sach anh 2

Cha mẹ hãy đồng hành cùng con trong hành trình xây dựng thói quen đọc sách. Ảnh: Khúc Thị Hoa Phượng.

Theo nhà văn, đối với trẻ nhỏ thì yếu tố không gian rất quan trọng. Ở bước đầu, cha mẹ cần tạo cho con cảm giác thoải mái, vui vẻ, gần gũi với sách. Phụ huynh có thể đọc diễn cảm cùng con “ví như khi đọc sách, đọc tới nhân vật con mèo thì đổi giọng đọc giọng mèo, củ cà rốt thì đóng vai củ cà rốt, vài ngày có thể đổi vai với con để tạo sự mới mẻ” nhà văn chia sẻ.

Đối với trẻ lớn hơn, đã biết tự đọc sách và hình thành tư duy phản biện. Cha mẹ nên tương tác cùng con như nhờ con tóm tắt lại câu chuyện, hỏi con xem nhân vật nào trong truyện con thích nhất, vì sao; nhân vật đó con thích như vậy nhưng còn điểm nào khiến con chưa hài lòng, nếu con là tác giả thì con muốn thay đổi chi tiết nào nào trong truyện...

Đồng quan điểm với nhà văn Phương Huyền, chuyên gia Hòa An cho rằng bước đầu tạo thói quen đọc sách, chỉ cần để sách trong không gian của bé để thu hút và khơi gợi sự tò mò, yêu thích với sách là đủ. Phụ huynh không cần khắt khe như yêu cầu bé phải đọc hết một cuốn sách hay chọn những sách khó. Chỉ cần bé cầm sách lên lật giở vài trang, xem vài hình đã thành công. Việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách cần nhiều thời gian và sự đồng hành của phụ huynh.

Cả hai diễn giả đều khẳng định việc đọc sách từ sớm mang lại nhiều lợi ích cho trẻ và cần phải nuôi dưỡng cho trẻ từ ngay khi còn nhỏ chứ không phải đợi trẻ lớn mới bắt đầu thúc giục con đọc.

Theo chuyên gia Hòa An khi trẻ đọc sách và chìm vào thế giới sách, các bé có thể phát triển tư duy, trí tưởng tượng từ rất sớm. Thêm vào đó, khi đọc các câu chuyện, bé sẽ được hòa vào cảm xúc nhân vật, từ đó hình thành khả năng thấu cảm với mọi người, hình thành thế giới quan phong phú, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ.

“Khi con hình thành những rung cảm đó, phụ huynh cần ở bên cạnh con, giúp con nhận ra những cảm xúc bên trong, bởi trẻ nếu còn quá nhỏ có thể chưa tư duy một cách rành mạch, nhưng các bé sẽ hiểu cảm xúc là như thế nào. Khi trưởng thành, các bé sẽ có một tâm hồn đẹp biết trân trọng, yêu cuộc cuộc sống", bà Hòa An nói.

Sách tóm tắt và vấn đề bản quyền

Ngày nay, sách tóm tắt là lựa chọn của đông đảo người dùng có thời gian hạn hẹp nhưng vẫn mong muốn nắm được những phần cốt lõi của cuốn sách.

Nở rộ dòng sách tương tác cho thiếu nhi dịp hè

Phục vụ nhu cầu sách hè cho thiếu nhi, các nhà xuất bản, công ty sách cho ra mắt nhiều ấn phẩm mới, trong đó có dòng sách tương tác.

Xu hướng kết hợp văn chương và game

Từ tiểu thuyết mới của Gabrielle Zevin đến thơ của Stephen Sexton, ngày càng nhiều nhà văn đưa các trò chơi vào trong tác phẩm văn học.

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm