Theo lời kể của nhà thơ Hữu Thỉnh, bài thơ Năm anh em trên một chiếc xe tăng được viết trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1970, lúc đó ông là cán bộ của ban Tuyên huấn, phòng Chính trị thuộc binh chủng Tăng - Thiết giáp. Ông được giao nhiệm vụ vào chiến trường thâm nhập thực tế để viết bài, đưa tin cho tờ báo Thiết Giáp của binh chủng cũng như các báo khác.
Sau khi thăm một đơn vị thuộc tiểu đoàn tăng 397, ông đã sáng tác bài thơ Năm anh em trên một chiếc xe tăng, gửi về binh chủng. Phòng Chính trị thấy bài thơ hay, gửi sang báo Nhân Dân và bài thơ đã được đăng vào năm 1971.
“Bài thơ đăng báo với bút danh Vũ Hữu”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhớ lại. Sau khi đọc bài thơ, hai nhạc sĩ quân đội là Doãn Nho và Huy Thục đều đã phổ nhạc. Bài hát của nhạc sĩ Doãn Nho hoàn thành và gửi đến Tổng cục Chính trị trước nên đã được đoàn ca múa của Tổng cục Chính trị dàn dựng, thu thanh, phát sóng trước, nhanh chóng được bộ đội và quần chúng nhân dân yêu thích. Sau này, bài hát trở thành ca khúc truyền thống của binh chủng Tăng - Thiết giáp và hiện nay là một trong mười bài hát quy định của toàn quân.
Năm 1975, bài thơ được tuyển chọn in trong tập thơ Âm vang chiến hào (NXB Quân đội Nhân dân).
Vì sao lại là “năm anh em”
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, nhà văn trưởng thành từ binh chủng Tăng - Thiết giáp, nguyên là chiến sĩ lái xe tăng T-54 thuộc Lữ đoàn Xe tăng 203 cho biết: “Thường thì một kíp xe tăng T-54, T-55, T-59 có 4 thành viên, gồm trưởng xe, lái xe, pháo thủ số 1 - bắn đại bác trên xe, pháo thủ số 2 - người nạp đạn và bắn súng máy phòng không trên tháp pháo. Tuy nhiên, nhà thơ Hữu Thỉnh đến thăm đơn vị xe tăng T-34, từ cảm hứng của kíp 5 người xe T-34, nên mới sáng tác nên bài thơ Năm anh em trên một chiếc xe tăng”.
Kíp xe tăng 843 tiến vào bắt sống nội các chính quyền Sài Gòn và cắm cờ cách mạng trên nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 với 4 thành viên. Ảnh: TTXVN. |
Ông Nguyệt giải thích thêm, trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, để tăng cường lực lượng cho mặt trận B70, trên quyết định điều động 3 tiểu đoàn xe tăng đó là: Tiểu đoàn 198 trang bị xe tăng PT-76, tiểu đoàn 297 trang bị xe tăng T-54, T-59 và tiểu đoàn 397 trang bị xe tăng T-34. Kíp xe tăng T-34 ngoài 4 thành viên như các loại xe khác, còn có thêm thành viên thứ 5 là lái phụ.
Đơn vị mà nhà thơ Hữu Thỉnh đến thăm là Đại đội 6 thuộc Tiểu đoàn 397, tại đó, ông đã có một tối bình thơ và ăn cơm với đơn vị của người bạn thân là trung đội trưởng Lê Đức Tuân.
Hữu Thỉnh nhớ mãi hình ảnh sau tiếng ông Tuân hô: "Ai còn thịt hộp mang tất cả xuống đây", thì cả 5 người nhảy phắt lên thành xe để lấy đồ ăn xuống “đãi” khách. Từ đó trong đầu nhà thơ mới nảy ra những hình ảnh so sánh:
Như năm ngón tay trên một bàn tay
Và dù sau này, loại xe tăng T-34 không còn được sử dụng trong biên chế quân đội ta nữa, các kíp xe tăng chỉ có 3 đến 4 thành viên, nhưng hình ảnh “năm anh em” cũng như giai điệu, lời bài hát đã gắn bó, thân thiết với các thế hệ người lính binh chủng Tăng - Thiết giáp. “Còn với người ngoài binh chủng, vẫn phải giải thích là hát ‘năm anh em’, nhưng mỗi xe chúng tôi chỉ có 4 người thôi”, ông Nguyệt vui vẻ nói.
Năm quả tim chung nhịp đập… gì?
Bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng từ lâu đã trở thành bài hát được yêu thích, nhiều đám cưới ở các vùng quê cũng ca vang bài này vì giai điệu vui tươi, rộn ràng. Tuy nhiên, đa số mọi người đều hát sai câu “Năm quả tim chung nhịp đập dồn”. Nhiều bản karaoke đã chạy chữ sai, thành “nhịp đập rộn ràng”, khiến nhiều người hát sai.
Nhà thơ Hữu Thỉnh vốn là cán bộ ban Tuyên huấn của binh chủng Tăng - Thiết giáp. |
Trong bài thơ gốc của Hữu Thỉnh, nhà thơ viết:
Đã lên xe không còn tên riêng nữa
Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa
Năm quả tim chung nhịp dập dồn
Tuy nhiên, khi bài thơ được phổ nhạc, câu thơ cuối này khá khó hát vì lỡ nhịp, sau chữ “dồn” là ngắt nhịp, nên các ca sĩ và lính tăng đã sáng tạo bằng cách thêm vào một từ trước chữ “dồn”, thường là “Năm quả tim chung nhịp đập (la) dồn” cho dễ hát.
Rất nhiều cựu chiến binh Tăng - Thiết giáp đã kể những câu chuyện vui về câu hát này, như hát “ư dồn”, “a dồn”. Có người nhớ lại lúc mới nhập ngũ, được các lính cũ tếu táo dạy hát “Năm quả tim chung nhịp đập lá dôn”, với lời giải thích lá dôn là một loại lá màu đỏ, cành lá cũng biết rung rinh theo nhịp!
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, người lái xe tăng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và tiến vào chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 phân tích: “Tim đập rộn ràng chỉ khi đi gặp người yêu thôi. Còn khi ra trận, trước mắt là kẻ thù, là cái sống và cái chết thì làm sao có chuyện tim đập "rộn ràng" được!”.