Với chương trình này, thay vì sử dụng tiền mặt để thanh toán như trước, giờ đây tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa bằng việc quét mã QR hoặc chuyển tiền qua Open Banking nhanh chóng, an toàn và bảo mật.
Thay đổi thói quen thanh toán tại chợ truyền thống
Trước đây, dùng tiền mặt mua bán tại chợ là một phương thức thanh toán truyền thống. Tuy nhiên, khi nền kinh tế ngày càng phát triển, thanh toán theo phương thức này hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Tiền rách, tiền lẻ, dễ rơi hoặc bị mất cắp, khó quản lý tài chính… Khi đó, tiểu thương và người mua hàng tại các chợ truyền thống đã dịch chuyển từ sử dụng tiền mặt sang các phương thức thanh toán điện tử.
Là chủ của một cửa hàng tạp hóa buôn bán gần 20 năm tại chợ Tân Định (TP.HCM), chị Nga cho biết trước đây chị chỉ dùng tiền mặt để buôn bán, nhập hàng hóa, vì lớn tuổi và không rành công nghệ nên chị rất ngại chuyển khoản. Tuy nhiên, hiện nay, do nhu cầu của nhà cung cấp và người mua hàng, chị đã bắt đầu sử dụng thanh toán điện tử và cảm thấy khá đơn giản, không phức tạp như chị đã nghĩ mà còn nhanh chóng, tiện lợi.
Quầy hàng đồ khô tại chợ Tân Định (TP.HCM) được trang bị mã QR để người mua dễ dàng thanh toán. |
Không chỉ tiểu thương, người dân đi chợ cũng có những trải nghiệm hài lòng, thuận tiện khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử như chuyển khoản, quét mã QR.... Chị Thương (quận 6, TP.HCM) bày tỏ: “Mỗi lần cầm tiền đi chợ, tôi thường cảm thấy lo lắng lỡ đâu bị rơi hoặc mất cắp lúc chen chúc vào chợ đông người. Giờ đây, các quầy hàng đã có mã QR, chỉ cần dùng điện thoại quét là thanh toán dễ dàng, không cần ra ngân hàng, ATM rút tiền”.
Có thể thấy, việc triển khai các phương thức thanh toán điện tử không chỉ dừng lại ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng… mà nay đã được tiếp cận rất gần những mô hình buôn bán nhỏ lẻ như hàng quán vỉa hè, chợ dân sinh… Điều đó giúp các tiểu thương và người dân đi chợ tiếp cận công nghệ thanh toán hiện đại, giảm thiểu các rủi ro khi sử dụng tiền mặt. Hơn nữa, việc quản lý dòng tiền, số hóa sổ sách bán hàng của tiểu thương cũng được tối ưu hiệu quả, chính xác hơn.
Người bán và người mua quản lý tài chính dễ dàng
Bắt nhịp cùng sự lên ngôi của thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt cũng như mong muốn đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân, các ngân hàng đã tích cực triển khai đa dạng dịch vụ ngân hàng số, công nghệ hiện đại cùng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.
Không nằm ngoài xu thế phát triển này, Nam A Bank đã triển khai và phổ biến rộng rãi các phương thức thanh toán điện tử đến người dân. Trong 6 tháng đầu năm, mô hình “Chợ 4.0 - cuộc sống không tiền mặt” của Nam A Bank đã được phủ sóng khắp các chợ lớn ở TP.HCM như chợ Bến Thành, Tân Định, Bình Tây… và nhiều chợ ở các tỉnh thành khác như chợ Uông Bí (Quảng Ninh), Đông Ba (Huế), chợ Siêu thị Đà Nẵng…
Nam A Bank triển khai chương trình “Chợ 4.0 - cuộc sống không tiền mặt” phủ sóng tại các chợ trên địa bàn TP.HCM. |
Với mô hình chợ 4.0, chỉ cần một chiếc smartphone có kết nối Internet, vài thao tác đơn giản tải Open Banking, đăng ký mở tài khoản Nam A Bank là khách hàng đã có thể thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán tiện lợi, nhanh chóng, an toàn.
Đặc biệt, Open Banking còn có tính năng quản lý điểm bán miễn phí giúp tiểu thương quản lý doanh thu hiệu quả đối với các giao dịch thanh toán bằng mã VietQR trên chính tài khoản thanh toán được đăng ký điểm bán. Bên cạnh đó, khách hàng còn được hưởng những ưu đãi đặc biệt như: Miễn 100% các loại phí; tặng tài khoản số đẹp theo số điện thoại, số căn cước công dân; giảm đến 50% phí mở tài khoản số đẹp 6 số, 9 số cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn khác.
Người dân thanh toán mua hàng bằng Open Banking của Nam A Bank. |
Đại diện Nam A Bank cho biết: “Nam A Bank triển khai chương trình “Chợ 4.0 - cuộc sống không tiền mặt” tại các chợ truyền thống nhằm khuyến khích tiểu thương và người dân thay đổi thói quen, dịch chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Điều đó giúp các giao dịch giữa người bán và người mua thuận lợi và an toàn hơn, đồng thời thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn. Mục tiêu từ nay đến hết năm 2023, chợ 4.0 của Nam A Bank sẽ tiếp tục được nhân rộng đến các chợ tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc”.
Không chỉ dừng lại ở đó, sắp tới Nam A Bank sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư thêm nhiều giải pháp số hiện đại, hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng tốt nhất cũng như tăng cường thúc đẩy chuyển đổi số theo xu hướng nền kinh tế hiện nay.