Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năm 37 tuổi, tôi đi học

Tôi đi học không phải để lấy thêm bằng cấp hay để mở rộng các mối quan hệ, mà muốn chỉnh lý lại một cách hệ thống những gì mình từng được học, để tiến bộ hơn.

Năm 37 tuổi, tôi đã đưa ra 2 quyết định quan trọng: Một là tôi lên kế hoạch phải thực hiện được 50 buổi tư vấn hướng nghiệp 1 - 1 trong nửa năm; hai là tôi muốn đi học.

Tôi đi học không phải để lấy thêm bằng cấp hay để mở rộng các mối quan hệ, mà muốn chỉnh lý lại một cách hệ thống những gì mình từng được học, để tiến bộ hơn. Hệ thống hóa là ý nghĩ nảy sinh bất chợt trong đầu tôi sau khi xuất bản 3 cuốn sách.

Thời đại ngày nay là thời đại thông tin dễ bị phân tán, có quá nhiều thông tin vô giá trị hoặc lặp đi lặp lại. Ngày nào chúng ta cũng đều tiếp nhận lượng thông tin lớn một cách bị động.

Chỉ riêng việc khu biệt và phân tích chúng đã rất khó khăn rồi, nói chi đến hấp thụ. Hiện nay người người đều nói xã hội quá xô bồ, khả năng tập trung của con người ta dần giảm xuống.

Đó là bởi vì hệ thống vốn có của họ bị đảo lộn, mất đi ranh giới và trọng tâm, họ mới làm việc mà không xác định được mục đích, dễ bị thu hút bởi tiêu đề bài viết, cuối cùng bị dòng thông tin khổng lồ cuốn đi.

Từ đó có thể thấy, xây dựng một hệ thống kiến thức cho riêng mình là việc quan trọng, ít nhất bạn có thể biết cái gì mình mong muốn, cái gì mình không cần.

Như thế bạn mới không bị trở thành một người lưu trữ tham lam, chưa cần biết có hữu dụng hay không, trước tiên cứ lưu trữ lại đã. Thực ra bạn gần như sẽ không nhìn đến chúng, bởi vì còn nhiều tin tức mới hơn đang vẫy gọi bạn tải xuống và lưu về. Mà mục đích khi tải về, vốn là để bạn đọc rồi tiêu hóa nó, không phải sao?

Thế nên, hệ thống hóa sẽ giúp mình chọn lọc được trọng tâm, đồng thời sắp xếp hết những tin tức mà mình có, làm rõ những tin mình chưa biết và chưa đầy đủ. Khi đã có mong muốn được học, tôi sẽ từng bước lập ra kế hoạch học tập.

Tôi thích làm mọi việc theo sự sắp xếp và kế hoạch của riêng mình: Làm lúc nào, dự toán ra sao cho hợp lý, có những mong muốn, kỳ vọng gì, thực tế đạt hiệu quả như thế nào. Bốn điểm này chính là trọng tâm để tôi làm mọi việc. Tôi cũng khuyên bạn nên áp dụng 4 điểm này để thực hiện kế hoạch mà bạn mong muốn, để học được cách phân tích nhiệm vụ, học cách làm “bước tiếp theo”.

Dựa theo kế hoạch này, tôi tích cóp một ít tiền, đồng thời tiến hành khảo sát thực địa, xác định lợi và hại trong đó cùng giới hạn chịu đựng của bản thân, cuối cùng tôi quyết định đến Học viện Giáo dục Thường xuyên Chuyên môn Đại học Hong Kong (HKU SPACE) để học. Trong hơn nửa năm học, tôi có 2 niềm cảm khái sau.

Dung ban ma van ngheo anh 1

“Học” là một quá trình tích lũy chậm rãi. Nó cần tích lũy một thời gian dài mới nhìn được thành quả. Ảnh: ilfattonisseno.

Thứ nhất: Tư duy độc lập và học tập suốt đời

Muốn làm bất cứ việc gì cũng cần phải trải qua một quá trình với thái độ nghiêm túc. Tiết học đầu tiên mà Học viện Giáo dục Thường xuyên Chuyên môn Đại học Hong Kong dạy cho tôi chính là tư duy độc lập và học tập suốt đời.

Khả năng tư duy độc lập là điều mà rất nhiều người vẫn còn thiếu. Không ít người cho rằng, nếu suy nghĩ quá nhiều sẽ rất mệt mỏi, nghĩ thì được ích lợi gì, cấp trên cũng có nghe tôi đâu, mà tôi lại không phải là lãnh đạo. Có cách nghĩ và ý kiến của mình mới có được thái độ và phương án giải quyết. Ngay cả cách nghĩ còn không có, làm sao mà bạn tiến bộ được?

Ngoài ra, quan điểm học tập suốt đời khiến tôi tỉnh ngộ. Mặc dù người xưa thường nói “sống đến già, học đến già”, nhưng con người ta thường hay có tâm lý lười biếng, bài xích.

Chúng ta thường vô thức chọn dừng lại ở những kinh nghiệm mình đang có mà từ chối học hỏi thêm kiến thức mới. “Học” là một quá trình tích lũy chậm rãi. Cũng giống như viết sách, nó cần tích lũy một thời gian dài mới nhìn được thành quả.

Mà “suốt đời” là độ dài của thời gian. Khi bạn đo đếm bằng thời gian cả cuộc đời, rất nhiều chuyện đều sẽ khác hẳn. Sau khi tôi viết xong cuốn sách thứ ba, có một khoảng thời gian dài tôi cứ thấp thỏm, sợ hãi như đi trên lớp băng mỏng, cho đến một ngày tôi tự hỏi tại sao lại sợ hãi, mới bỗng dưng ý thức được một điều: Hóa ra mình vẫn luôn sợ bản thân sẽ không thực hiện kịp.

Tôi sợ trước khi tên tuổi mình đi xuống, không kịp xuất bản đến cuốn sách thứ 10.

Ước mơ của tôi là viết được 10 cuốn sách. Mà khi viết cuốn sách đầu tiên, tôi đã không ngừng tự nhủ: “Sớm muộn gì mình cũng sẽ hết thời, sớm muộn gì mình cũng bị đè bẹp giữa biển người, thế nên phải viết nhanh lên, tranh thủ lúc chưa hết thời, mau viết đi…”.

Nhưng khi tôi nhìn nhận việc viết sách này là việc của cả cuộc đời, tôi mới thấy thực ra chẳng có gì là không kịp cả. Bạn càng lo sợ điều gì, bạn càng dễ đánh mất nó. Bạn sẽ đánh mất nguyên tắc tiêu chuẩn vì sợ hãi, mải miết chạy theo sở thích của độc giả, hoặc nhu cầu của thị trường.

Càng chạy theo, lại càng dễ hết thời. Vì thế, tôi dành hẳn một năm để điều chỉnh lại nhịp điệu của mình, bớt để tâm tới chuyện được mất. Con người sẽ phải học cách biến may mắn của mình thành hiện thực, chẳng ai có thể sống cả đời mà chỉ dựa vào mỗi may mắn cả. […]

Thứ hai: Tập thể mãi mãi là cái gương để bạn soi lại chính mình

[…]

Bồi dưỡng cho người khác, mới có thể mang đến cho người ta nhiều cơ hội hơn, khai thác tiềm năng của người ta. Về sau, khi lớp tôi tự tiến hành bầu ban cán sự, vì là “tác giả nổi tiếng trên mạng” nên tôi cứ thế được bầu làm lớp trưởng.

Trước một thân phận mới và một tập thể toàn người xuất sắc, việc đầu tiên tôi cần phải làm chính là thừa nhận mình chưa làm được. Tôi rất ít khi thừa nhận mình yếu kém ở chỗ làm việc.

Bởi vì tôi sợ, một khi mình thể hiện sự yếu kém ra, mọi người sẽ thực sự cho rằng tôi quá yếu kém, sau đó hỏi lại tôi rằng: Anh đã yếu kém như thế thì sao làm lãnh đạo được?

Bây giờ tôi thấy, mỗi một tập thể đều cần một mục tiêu chung, các thành viên tập trung lại vì một mục tiêu chung chứ không phải vì người lãnh đạo. Người lãnh đạo chỉ là người phát ngôn cho mục tiêu, chứ không phải là toàn bộ mục tiêu. Là một người quản lý, cần phải có nền tảng tốt và phẩm chất tốt, bao gồm khả năng chịu đựng áp lực và mức độ chân thành đối với mục tiêu.

Vì thế, các lãnh đạo rất thích sắm vai kẻ mạnh, nhưng chỉ khi nào bạn thừa nhận việc gì đó mình không làm được, các thành viên trong đội ngũ của bạn mới có cơ hội giúp bạn bù đắp lại những điểm yếu ấy, cùng bạn kề vai sát cánh.

Ông Chú Tiểu Xuyên / Quảng Văn Books & NXB Dân Trí

SÁCH HAY