Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năm 2024, sửa đổi Luật BHXH có lợi cho người lao động

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi dự kiến được thông qua trong năm 2024, có hiệu lực từ tháng 7/2025 sẽ có nhiều thay đổi có lợi cho người lao động.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội nhằm các mục tiêu lớn như: Bảo đảm an sinh xã hội của người dân; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH.

Dự thảo cụ thể hóa quy định các nội dung lớn như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH; bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu; vấn đề hưởng BHXH một lần; về chi phí quản lý BHXH; bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Giảm thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu

Một trong những nội dung của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi được người dân và các chuyên gia đặc biệt quan tâm là quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu.

BHXH anh 1

Giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm hưởng lương hưu có lợi cho người lao động. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm.

Do vậy, Dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hàng tháng.

Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn, khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế. Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) - cho rằng trước đây nhiều người đóng BHXH không đủ 20 năm hầu hết chỉ được hưởng chế độ một lần, không có lương hưu, đến khi về già, đa số đời sống rất khó khăn. Không có mức thu nhập hàng tháng ổn định, không được đóng BHYT. Do vậy, khi giảm thời gian đóng xuống 15 năm sẽ giải quyết được hạn chế này.

Thay đổi phương án rút BHXH một lần

Để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo đang đưa ra 2 phương án.

BHXH anh 2

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi giảm tuổi trợ cấp hưu trí xuống 75 tuổi. Ảnh: Hoàng Hà.

Phương án 1: Dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định việc hưởng BHXH một lần đối với 2 nhóm người lao động khác nhau.

Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025), thì không được nhận BHXH một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp như đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Luật BHXH hiện hành).

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu, thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết phương án quy định việc rút BHXH một lần hướng tới 2 mục tiêu cơ bản. Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH là có quyền rút BHXH.

Thứ hai là phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo, để người dân có lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già.

Giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí

Dự thảo luật BHXH cũng quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên (thay vì 80 như hiện hành) mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm, phấn đấu đạt mục tiêu Trung ương giao đến năm 2030, có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Ngoài ra, Dự thảo Luật sửa đổi đã tiếp tục mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (người lao động làm việc không trọn thời gian) tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH bắt buộc.

Việc bổ sung các đối tượng trên nhằm đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, đồng thời còn đảm bảo gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia cũng như gia tăng diện bao phủ của BHXH.

Song song đó, Dự thảo Luật còn bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Xử lý nghiêm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH

Vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động, do vậy Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung quy định xử lý tình trạng này.

Dự thảo quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; đồng thời đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH như: quy định cụ thể 2 hành vi: chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH; quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng; quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng.

Dự thảo Luật cũng quy định cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Chuyển cơ quan điều tra 11 vụ có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Đồng Nai cho biết năm 2023, BHXH tỉnh đã chuyển 11 vụ có dấu hiệu tội phạm qua cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai.

https://vietnamnet.vn/nam-2024-sua-doi-luat-bhxh-co-loi-cho-nguoi-lao-dong-2247869.html

Vũ Điệp/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm