Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năm 2020 người Hà Nội thu nhập bình quân 6.800 USD

Hà Nội đặt mục tiêu đưa thu nhập bình quân người dân lên 6.800 USD vào năm 2020, tăng gần gấp đôi so với 2015 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với TP HCM (9.800 USD).

Sáng nay, trong báo cáo trước Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI được Phó bí thư thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo trình bày, một con số đáng lưu ý được đề cập là thu nhập bình quân của người dân thủ đô đã tăng 1,8 lần sau 5 năm (từ 2010 đến 2015).

So sánh thu nhập và tăng trưởng kinh tế của Hà Nội và các thành phố lớn khác.   Đồ hoạ: Tuấn Dũng.
So sánh thu nhập và tăng trưởng kinh tế của Hà Nội và các thành phố lớn khác. Đồ hoạ: Tuấn Dũng.

Quy mô GRDP năm 2015 ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD (gần 77 triệu đồng). Riêng ở khu vực nông thôn, thu nhập bình quân của người dân năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2011.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 54%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41,5% và nông nghiệp 4,5%.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Thảo cũng thẳng thắn thừa nhận, những con số nêu trên vẫn chưa đủ để hoàn thành chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thủ đô nhiệm kỳ trước đặt ra (tăng trưởng bình quân 12-13%, thu nhập bình quân đầu người là 4.100-4.300 USD, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế 3-4%). 

Ông Nguyễn Thế Thảo, Phó bí thư thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trình bày báo cáo tại Đại hội Đảng bộ.
Ông Nguyễn Thế Thảo, Phó bí thư thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trình bày báo cáo tại Đại hội Đảng bộ.

Trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ thành phố đặt ra những mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao. Theo đó, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 dự kiến 8,5-9,0%; cơ cấu kinh tế năm 2020 là dịch vụ 61-62%, công nghiệp - xây dựng 35-36,5%, nông nghiệp 2,5-3,0%. 

Đặc biệt, GRDP bình quân/người là con số rất thách thức: 140-145 triệu đồng (tương đương 6.700-6.800 USD), đây là mức thu nhập gần gấp đôi so với năm 2015. Với vùng nông thôn, Hà Nội dự kiến đưa thu nhập bình quân đầu người lên 40-45 triệu đồng vào năm 2020.

Trong số các đô thị lớn, chỉ tiêu về thu nhập bình quân đến năm 2020 của Hà Nội đứng thứ 2, sau TP HCM (9.800 USD).

Ở định hướng quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, Hà Nội tập trung phát triển giao thông công cộng, xây dựng lộ trình từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sau năm 2020 nhằm giảm ùn tắc giao thông. Báo cáo cũng nhấn mạnh việc tăng cường trật tự, văn minh, mỹ quan đô thị, nhất là trật tự, kỷ cương an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông.

Thành phố sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng hai tuyến đường sắt đô thị: Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - Ga Hà Nội, triển khai tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, nghiên cứu, kêu gọi đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại, cơ bản hoàn thành các tuyến đường vành đai...

Những con đường nhiều làn xe cùng các cây cầu kịp thời được xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đồng thời làm giảm thiểu đáng kể nạn ùn tắc giao thông. Ảnh: Mạnh Thắng.

Bên cạnh đó, một chỉ tiêu đáng chú ý là phấn đấu đưa tỷ lệ diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người toàn thành phố đến năm 2020 đạt 29 m2/người; tập trung phát triển nhà ở xã hội.

Trong định hướng phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, báo cáo đưa ra một chỉ tiêu đáng chú ý là năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao của Thủ đô có đủ năng lực đào tạo tương đương khu vực và quốc tế. Thêm vào đó, đến năm 2025, giáo dục Thủ đô đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Ở định hướng phát triển khoa học công nghệ, báo cáo nhấn mạnh chủ trương đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Theo đó, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Hà Nội.

Thêm vào đó, Thủ đô cũng đẩy mạnh việc thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ trước khi ứng dụng vào thực tiễn. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, sản phẩm ứng dụng công nghệ đạt khoảng 50% GDP, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 20%/năm, giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 16-18%/năm.

Khi đề cập đến bối cảnh thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội trong giai đoạn mới, báo cáo lưu ý, Hà Nội hội nhập ngày càng sâu với khu vực, quốc tế, đặc biệt là sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN và Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Báo cáo do Phó bí thư Nguyễn Thế Thảo trình bày cũng nêu rõ 3 khâu đột phá mà Hà Nội sẽ thực hiện, nhằm đạt được các mục tiêu thách thức trong giai đoạn 2016-2020. Thứ nhất, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Những thách thức với tân lãnh đạo Hà Nội

Tăng trưởng kinh tế, quy hoạch đô thị, chất lượng nguồn nhân lực là 3 bài toán mà các lãnh đạo Hà Nội phải giải quyết trong nhiệm kỳ 2015-2020.

H.L

Bạn có thể quan tâm