Thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh Nghị quyết 38/2004 của Quốc hội về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh vào sáng 30/10, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc điều chỉnh là cần thiết.
Lý giải điều này, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - cho biết Nghị quyết 38/2004 quy định đến năm 2010 sẽ thông đường từ Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) đến Đất Mũi (tỉnh Cà Mau) với quy mô 2 làn xe, có tổng chiều dài 3.167 km với 25 đoạn, tuyến là không khả thi và thực tế đã không thực hiện được. Do đó, đề nghị kéo dài tiến độ thực thông toàn tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi vào năm 2020.
Một đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. |
Nguồn vốn đầu tư để thông toàn tuyến đường sẽ vào khoảng 103.682 tỷ đồng. Trong đó, đến nay mới bố trí được 40.763 tỷ đồng và còn thiếu 62.919 tỷ đồng. Dự kiến, số vốn thiếu sẽ được huy động theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) là 22.700 tỷ đồng, BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) là 16.216 tỷ đồng và 24.003 tỷ đồng bố trí bổ sung từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đối với việc nâng cấp các đoạn, tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc (giai đoạn 3), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị thực hiện sau năm 2020 và phù hợp với quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam.
Theo ông Dũng, tổng mức đầu tư và phương án bố trí nguồn vốn đã bị chậm và thay đổi nhiều lần nhưng đến nay đã được xác định tương đối rõ. Tổng mức đầu tư cho các đoạn, tuyến còn lại để thông xe là tương đối lớn nên đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân thay đổi tổng mức đầu tư và khả năng huy động vốn còn thiếu để thực hiện.
Tuyến đường Hồ Chí Minh được xây dựng song song với tuyến Quốc lộ 1A, chưa có đầy đủ các dịch vụ hậu cần; một số đoạn, tuyến cách xa trung tâm dân cư, đô thị... nên không có lợi thế về giao thông. Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị điều chỉnh mặt cắt ngang đường Hồ Chí Minh từ 2-8 làn xe xuống còn 2-6 làn.