Trong tuần tới Hội đồng Tiền lương quốc gia, gồm đại diện 3 bên: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ nhóm họp để bàn phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 cho kịp trình Chính phủ vào tháng 10.
Vấn đề tiền lương bao giờ cũng nhận được sự quan tâm của hàng triệu người vì nó liên quan trực tiếp tới đời sống cũng như những vấn đề tương lai qua bảo hiểm xã hội (BHXH).
Câu hỏi luôn có mỗi khi bàn đến chuyện tăng lương tối thiểu là lương tối thiểu có đáp ứng được mức sống tối thiểu hay chưa, đáp ứng được bao nhiêu phần trăm mức sống tối thiểu và còn cần phải tăng đến mức nào? Chúng ta đều biết, hiện có 2 khối làm công ăn lương chính, khối công chức, viên chức và lao động tại các doanh nghiệp.
Lương của các lao động tại các doanh nghiệp chủ yếu theo thỏa thuận và năng suất, mức lương tối thiểu chỉ liên quan tới mức đóng bảo hiểm và các khoản phí khác theo lương, nhưng với khối công chức, viên chức và cả những lao động hiện hưởng mức lương theo thang bậc quy định thì mức lương tối thiểu liên quan trực tiếp tới thu nhập, thậm chí tới bữa ăn hàng ngày.
Lương tối thiểu có đảm bảo mức sống tối thiểu
Mặc dù cuộc họp quan trọng này chưa diễn ra, nhưng qua những ý kiến của các quan chức và các chuyên gia, câu hỏi về mức lương tối thiểu vẫn chưa có câu trả lời. Theo lộ trình mà Quốc hội giao cho Chính phủ thì phải từng bước tăng tiền lương tối thiểu lên bằng mức sống tối thiểu.
Tuy nhiên, mức lương tối thiểu bao nhiêu là đủ cho mức sống tối thiểu. Nếu theo dự báo của tổ chuyên gia tư vấn, rằng từ năm 2014-2018 mỗi năm trượt giá sẽ khoảng 7% thì mức sống tối thiểu mới vùng 1 năm 2015 sẽ là 2,972 triệu đồng, năm 2016 là 3,182 triệu đồng, năm 2017 là 3,406 triệu đồng; năm 2018 là 3,647 triệu đồng.
Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tỷ lệ tăng lương tối thiểu hàng năm rất cao, từ 20-30%, để đạt mức sống tối thiểu vào năm 2018. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, trong cuộc họp báo mới đây cho biết, mức tăng lương được điều chỉnh tới đây phải thể hiện được 3 tiêu chí: vừa bù đắp sự mất giá của đồng tiền (lạm phát), phù hợp với tỷ lệ tăng năng suất lao động hàng năm, đồng thời có được một tỷ lệ tăng thêm nhất định để rút ngắn lộ trình đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động mà Nhà nước đã đặt ra.
Xu hướng tăng lương trong những năm tới có đủ duy trì cuộc sống không là câu hỏi của hàng triệu người lao động. |
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, trong cuộc họp báo đầu tháng 7/2015 cho biết, năm 2016, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ cần phải tính toán kỹ hơn vì mức đóng BHXH sẽ tăng lên để dần tiến tới đóng BHXH theo tổng thu nhập vào năm 2018. Ngoài ra, năm 2016, doanh nghiệp cũng sẽ phải đóng thêm các chi phí liên quan tới lao động nữ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động...
Về vấn đề điều tra mức sống tối thiểu làm căn cứ tăng lương tối thiểu, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho hay, hiện bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã mời chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học nghiên cứu mức sống tối thiểu thành mức chuẩn. Từ mức sống tối thiểu đó mới có thể quyết định các vấn đề khác.
“Thực ra đã có nhưng ý kiến các bên còn khác nhau. Phía người lao động muốn nhấn mạnh một số yếu tố, và phía người sử dụng lao động muốn nhấn mạnh một số yếu tố. Kinh nghiệm của các nước cho thấy việc thống nhất phương pháp tính là rất khó. Vấn đề là đưa khoảng cách bất đồng này càng hẹp càng tốt”, ông Huân nói.
Do vậy, câu trả lời mức lương tối thiểu là bao nhiêu để đảm bảo mức sống tối thiểu đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Năm 2016 mức lương sẽ thế nào?
Trong chủ trương dài hạn, Chính phủ đã khẳng định năm 2016 sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu, tuy nhiên mức tăng bao nhiêu vẫn còn để ngỏ chờ các bên đàm phán, theo nguyên tắc thị trường.
Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động, đơn vị đại diện cho người lao động, sẽ đưa ra phương án mức tăng lương đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Để đảm bảo lộ trình tăng lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu vào năm 2017, mức tăng luôn được phía Tổng Liên đoàn đưa ra cho năm 2016 là 16-20%.
Trong khi đó Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) là đại diện cho doanh nghiệp, chỉ đưa ra mức 10% với quan điểm cho rằng: Tăng tiền lương tối thiểu là vấn đề nan giải trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay, do tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta còn thấp. Để có sự chính xác về tăng lương tối thiểu, cần có những nghiên cứu cụ thể đưa ra được tiêu chí về mức sống tối thiểu thời gian tới phù hợp với trình độ phát triển hiện nay.
Lộ trình tăng lương đáp ứng 3 dữ liệu: Bù đắp được tỷ lệ lạm phát (tương đương 4-5% trong năm nay), tăng năng suất lao động hàng năm (trên 3% mỗi năm), rút ngắn khoảng cách hiện nay với mức sống tối thiểu của người lao động. VCCI có trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp và đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm nay trên 10%.
Liên quan đến việc gắn năng suất với tiền lương tối thiểu, nhiều chuyên gia cho rằng tăng năng suất gắn liền với sức cạnh tranh của doanh nghiệp, vì vậy, tăng năng suất cần song hành với tăng tiền lương tối thiểu. Tăng lương tối thiểu phải đảm bảo được sự hài hòa giữa việc đáp ứng nhu cầu cuộc sống tối thiểu cho người lao động nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được nguồn lao động chất lượng cao, hết lòng vì công việc.
Liên quan đến vấn đề lương, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Lao động - Thương, binh và Xã hội, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Mức lương tối thiểu vùng hiện nay mới đáp ứng được 63% mức sống tối thiểu. Tuy nhiên trong lúc khó khăn này cần tính đến sự chia sẻ giữa người lao động và DN. Nhưng thực chất so với thu nhập của DN thì thu nhập của người lao động vẫn rất thấp, nhất là công nhân, lao động làm cho các DN FDI.
Năm 2015, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động đã được tăng 400.000 đồng so với năm 2014 (15%).
Cụ thể như sau: 3.100.000 đồng/tháng đối với vùng I, 2.750.000 đồng/tháng đối với vùng II, 2.400.000 đồng/tháng đối với vùng III, 2.150.000 đồng/tháng đối với vùng IV. Với mức lương của năm 2015, nếu loại trừ yếu tố trượt giá là 4,08% thì tiền lương, thu nhập thực tế của người lao động cải thiện không đáng kể. Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, có thể mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ bằng mức tăng của năm 2015, bình quân khoảng 15% mỗi vùng.
Tuy nhiên, phía các doanh nghiệp vẫn còn nhiều lo lắng. Các doanh nghiệp đã có những bài tính cụ thể cho thấy, năm 2015, mức tăng lương tối thiểu vùng trung bình khoảng 15% so với năm 2014 nhưng tổng chi phí đóng các khoản tiền bảo hiểm như BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và phí công đoàn của các doanh nghiệp đã tăng lên tới gần 35% so với năm 2014. Vài năm gần đây, điều chỉnh lương tối thiểu thường cao hơn chỉ số tăng trưởng GDP và CPI từ hai đến ba lần và thừa nhận điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cần có sự phân biệt về chính sách tiền lương
Qua các cuộc điều tra đã tiến hành, lương trung bình của các lao động trong khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài quốc doanh cao hơn mức lương trung bình của khối các công chức, viên chức. Chính vì vậy, việc tăng mức lương tối thiểu không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của lao động khối doanh nghiệp mà ảnh hưởng chủ yếu đến giới chủ sử dụng lao động qua các khoản BHXH và xác lợi phí khác.
Nhưng với khối công chức, viên chức, mức lương tối thiểu ảnh hưởng trực tiếp đến mức lương, thu nhập của người lao động. Việc tranh cãi về mức lương tối thiểu cũng như mức tăng lương tối thiểu cho thấy đã đến lúc cần có một chính sách về lương cũng như các quan niệm về lương khác với hiện nay với sự phân biệt rõ các khối hưởng lương khác nhau. Cũng cần thay đổi những chính sách với các khoản nộp theo lương. Như vậy sẽ đảm bảo công bằng xã hội hơn.
Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính ngày 14/7 vừa gửi Hội đồng tiền lương Quốc gia mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Theo đó, các mức lương tối thiểu của 4 vùng năm 2016 dự kiến sẽ được tăng từ 350.000 đến 550.000 đồng/mức.
Cụ thể như sau: Vùng 1 đề nghị tăng 550.000 đồng lên mức 3.650.000 đồng. Vùng 2 đề nghị tăng 450.000 lên mức 3.200.000 đồng. Vùng 3 đề nghị tăng 400.000 lên mức 2.800.000 đồng. Vùng 4 đề nghị tăng 350.000 lên mức 2.500.000 đồng.