Thật trùng hợp khi dấu hiệu sống lại của "Vua đất nện" lại đến từ mặt sân đỏ bụi bặm. Trong buổi chiều chủ nhật ở Công quốc Monaco, Nadal tái hiện hình ảnh cắn cúp quen thuộc khi đánh bại Gael Monfils. Đã từ rất lâu rồi, chính xác 4 năm trôi qua ngôi sao 29 tuổi mới có dịp làm điều đó. Monte Carlo trở thành danh hiệu đầu tiên của Rafa trong năm 2016.
Khi làng banh nỉ trở nên nhàm chán với sự thống trị của Novak Djokovic, chiến thắng của Nadal mang đến nhiều ý nghĩa. Đó như hồi chuông cảnh báo Nole, người bị loại ngay từ vòng 2, đồng thời gửi chiến thư đến tay vợt số 1 thế giới và phần còn lại rằng, "Nhà vua đã trở lại". Rồi đây, mùa giải đất nện sẽ không yên ả.
Nadal chơi khá thuyết phục ở Monte Carlo. |
Có nhiều lý do để tin Rafa sẽ hồi sinh từ Monte Carlo 2016. Năm 2005, chàng trai vùng Mallorca có danh hiệu Masters 1000 đầu tiên cũng chính tại Công quốc Monaco. Vài tháng sau, anh bỏ túi luôn chức vô địch Roland Garros đầu tiên trong sự nghiệp, qua đó, mở ra thời kỳ vàng son. Biệt danh “Vua đất nện” ra đời và trở thành khái niệm đi vào lịch sử.
Nadal xuất sắc thế nào trên sân đất nện, điều đó không cần phải bàn cãi. Thế nhưng anh chỉ là phàm nhân và không thể chống lại quy luật thăng trầm thời gian. Chấn thương khiến đầu gối Nadal không còn sự dẻo dai. Thời gian lấy đi của anh phong độ, đồng thời cũng sản sinh ra nhiều tên tuổi nguy hiểm đe dọa ngôi sao xứ bò tót.
Với Rafa, lần gần nhất lên ngôi ở giải Masters 1000 đã cách đây 2 năm, với chức vô địch Madrid Masters. Điều đó cho thấy tay vợt 29 tuổi đã biến mất lâu thế nào. Khi mùa giải đất nện khởi tranh, người hâm mộ lại nhắc về Rafa, nhưng với sự hoài niệm. Trong bối cảnh Djokovic quá mạnh, khán giả rất mong chờ Nadal trở lại và tạo nên một cuộc lật đổ.
Danh hiệu Monte Carlo của Rafa sẽ giúp làng banh nỉ trở nên nhộn nhịp hơn, khi "Vua đất nện" dấy lên hồi chuông trở lại. |
May thay, lời nguyện cầu đó được hồi đáp. Nadal vô địch giải Masters 1000 thứ ba trong năm khá thuyết phục. Trên chặng đường tới danh hiệu Monte Carlo thứ chín, anh bỏ lại những bại tướng đáng gờm như Stan Wawrinka và Andy Murray. Trong trận chung kết, dù gặp đôi chút khó khăn như Rafa vẫn khiến Gael Monfils phải gác vợt.
Sau những gì thể hiện, Nadal lại tạo ra niềm tin cho khán giả. Nhưng theo quan điểm Peter Bodo, đường về La Mã còn gập ghềnh lắm với tay vợt hạng 5 thế giới. Trong lối chơi nhà vô địch Monte Carlo, một sự mượt mà như dòng chảy con nước chưa được nhìn thấy. Ngoài ra, Nadal không tạo ra sự lấn lướt nhiều về mặt thế trận.
Ở trận chung kết, tay vợt người Tây Ban Nha để mất đến 5 điểm break. Sự phung phí của Rafa có thể khiến anh trả giá đắt nếu đối thủ không phải Monfils, người được mô tả chơi như không thở ra hơi và chỉ thu hút khán giả bởi khả năng di chuyển như chú nai và nhảy nhót kiểu cá hồi.
Các quả giao bóng lần 2 của Rafa cũng không cho thấy sự hiệu quả, với tỷ lệ giành điểm chỉ ở mức 29%. Đó còn chưa kể Nadal chỉ giành được 7/21 điểm break. Tín hiệu tích cực duy nhất xuyên suốt giải Monte Carlo của cựu số 1 thế giới là sự điềm tĩnh trong thi đấu và độ dẻo dai ở các pha đôi công rất cần thiết để giành điểm trên sân đất nện.
Từ thực tế đó, Peter Bodo kết luận ngày lễ lên ngôi lần hai của Rafa chưa có gì đảm bảo và còn chờ thời gian trả lời.
Nadal năm nay 29 tuổi, đã giành được 68 danh hiệu trong sự nghiệp. Cùng với việc giành chức vô địch Monte Carlo 2016, tay vợt người Tây Ban Nha đã có 9 danh hiệu Monte Carlo.