Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Na Uy triệu tập đại biện Mỹ vì cáo buộc do thám

Na Uy đã triệu tập đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Oslo liên quan tới vụ việc Mỹ do thám nhà lãnh đạo các nước châu Âu, trong đó có Na Uy.

“Bộ Quốc phòng đã triệu tập đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Oslo để làm rõ rằng việc do thám là không cần thiết và không chấp nhận được”, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen cho biết trên Twitter.

Cuộc gặp mặt diễn ra với sự tham dự của đại diện Bộ Quốc phòng Na Uy và Đại biện Mỹ Richard Riley. Mỹ hiện không có đại sứ tại Na Uy.

Tuần trước, đài truyền hình DR của Đan Mạch công bố điều tra về việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã sử dụng hệ thống cáp Internet của Đan Mạch để nghe lén chính trị gia Đức, Thụy Điển, Na Uy và Pháp từ năm 2012 đến năm 2014.

Chứng cứ được tìm thấy là kết quả của một cuộc điều tra nội bộ thực hiện bởi Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch vào năm 2014 và 2015.

Na Uy trieu tap dai su My anh 1

Trụ sở Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, nơi được cho đã truy cập vào nguồn dữ liệu qua Internet từ Đan Mạch. Ảnh: DW.

Báo cáo mới nhất làm dấy lên một trong những vấn đề gây căng thẳng nhất trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương: Mỹ nghe lén đồng minh châu Âu. Năm 2013, sau tiết lộ của Edward Snowden, chính phủ Đức đã điều tra và cho biết họ có chứng cứ về việc Mỹ đã theo dõi một số nhân vật quan trọng như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier - người hiện là Tổng thống Đức,...

“Nếu sự việc này là thật, những hành động này quả thật không chấp nhận được giữa các nước đồng minh, đặc biệt là giữa các đồng minh châu Âu”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết.

Nếu cáo buộc do thám mới nhất là sự thật, nó sẽ diễn ra trong và cả sau khoản thời gian của vụ nghe lén được Snowden tiết lộ.

Cuộc điều tra mới nhất cũng cho thấy NSA có quyền truy cập vào các luồng dữ liệu qua cáp Internet kết nối với Đan Mạch, đồng thời can thiệp vào cả cuộc gọi, tin nhắn và các hoạt động trên Internet như danh sách tìm kiếm.

Đan Mạch, đồng minh thân cận của Mỹ, đang nắm giữ vị trí then chốt trên tuyến cáp Internet trên biển kết nối với Thụy Điển, Na Uy, Đức, Hà Lan và Vương quốc Anh.

Bê bối gián điệp từ thời Obama vẫn đeo bám ông Biden

Bê bối gián điệp năm 2013 trở lại đeo bám Tổng thống Joe Biden sau khi truyền thông của Đan Mạch tố cáo cơ quan tình báo nước này hỗ trợ Mỹ theo dõi các nhà lãnh đạo châu Âu.

Nguyệt Cầm

Bạn có thể quan tâm