Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Myanmar sẽ bầu cử tự do đầu tiên sau 25 năm

Ngày 8/11, Myanmar sẽ tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên của nước này kể từ khi chính phủ dân sự hoạt động năm 2011, chấm dứt gần 50 năm cai trị quân sự.

Ảnh:
Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập của bà Aung San Suu Kyi đang đứng trước cơ hội lớn trong cuộc tổng tuyển cử 2015. Ảnh: Reuters

Vào ngày bầu cử 8/11, khoảng 50.000 điểm bỏ phiếu sẽ được mở trên khắp đất nước Myanmar. Trong cuộc tổng tuyển cử này, người dân Myanmar sẽ lựa chọn ứng viên cho Amoytha Hluttaw (thượng viện),  Pyithu Hluttaw (hạ viện), quốc hội vùng và quốc hội bang.

Cuộc bầu cử “tự do và công bằng” đầu tiên

Tổng số 1.171 đại diện sẽ được bầu. 224  người sẽ được lựa chọn vào thượng viện và 440 người cho hạ viện.

14 bang và vùng ở Myanmar có quốc hội riêng nên số đại diện được bầu  vào quốc hội vùng và bang sẽ dựa trên số lượng quận trong bang/vùng đó.

Cử tri Myanmar sẽ không trực tiếp bầu tổng thống mà nghị sĩ thượng viện và hạ viện sẽ bầu.

Hai đảng phái lớn hiện chiếm ưu thế là đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập của bà Aung San Suu Kyi (70 tuổi) và Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) được quân đội ủng hộ.

Giới quan sát quốc tế dự đoán cuộc bầu cử là cơ hội để đảng NLD của bà Suu Kyi, 70 tuổi, giành thế đa số tại quốc hội. Bà vốn là nhân vật có uy tín tại Myanmar. Hiến pháp nước này cấm bà giữ chức tổng thống vì chồng và con mang quốc tịch Anh.

Ngoài ra, các vị trí chủ chốt về quốc phòng, nội vụ và các vấn đề biên giới được các tướng lĩnh quân đội quyết định thay vì tổng thống lựa chọn. Việc thay đổi hiến pháp cũng không thể diễn ra nếu không được giới chức quân sự chấp thuận.   

Tuy nhiên, Suu Kyi tuyên bố bà sẽ thành lập chính phủ nếu giành chiến thắng.

“Nếu chúng tôi chiến thắng, NLD sẽ thành lập chính phủ. Tôi sẽ đứng trên cả tổng thống. Đó là một thông điệp rất đơn giản”, bà Suu Kyi nói với các phóng viên hôm 5/11.

Cuộc bầu cử 2015 được đánh giá là “tự do và công bằng” đầu tiên tại Myanmar trong 25 năm qua kể từ khi nước này tiến hành cải cách mở cửa.

Ngày Tổng tuyển cử lịch sử

Ngày tổng tuyển cử 8/11 là lần đầu cử tri Myanmar được trao quyền lựa chọn tự do và công bằng khi cầm trên tay lá phiếu bầu chính quyền mới trong suốt nhiều thập niên. Các nhà quan sát cho rằng, kết quả bầu cử sẽ phản ánh nguyện vọng của người dân.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ các ghế trong Hluttaw (quốc hội) đều do người dân bầu. Hiến pháp do quân đội soạn thảo quy định 25% số ghế trong Hluttaw do lực lượng quân sự nắm giữ và họ có quyền phủ quyết nếu muốn thay đổi hiến pháp. Các tướng lĩnh gọi đây là “dân chủ có kỷ luật”.

Dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập nhiều khả năng sẽ dành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử ngày mai. Đây là sự kiện mà thế giới mong đợi sẽ “thay đổi đáng kể” bối cảnh chính trị ở Myanmar sau 6 thập kỷ bị cô lập về kinh tế và chính trị dưới chế độ độc tài quân sự - kết thúc sự cai trị năm 2011.

Myanmar hiện nằm dưới sự chèo lái của chính phủ do Tổng thống Thein Sein đứng đầu. Ông là thành viên của đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) được quân đội hậu quẫn. Sau khi chế độ độc tài quân sự tan rã, các tướng lĩnh quân đội đã chỉ định chính phủ mới trong thời gian chờ tổng tuyển cử.

Việc chuyển giao từ độc tài quân sự sang chính quyền dân sự là bước ngoặt lớn trên chính trường Myanmar. Tuy nhiên, USDP chưa thể đáp ứng kỳ vọng của người dân cũng như loại trừ sự góp mặt của các tướng lĩnh quân đội trong chính phủ và quốc hội.

Bà Aung San Suu Kyi là ai?

Lãnh đảo đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD), bà Aung San Suu Kyi, là tên tuổi lớn trong cuộc đấu tranh vì dân chủ ở Myanmar. Bà là tù nhân chính trị nổi tiếng bậc nhất thế giới, từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991 nhưng không thể nhận giải vì đang bị giam lỏng. Ngày 16/6/2012, bà chính thức nhận giải thưởng danh giá trong buổi lễ tại thủ đô Oslo, Na Uy.

Trong 24 năm sống và hoạt động tại Myanmar, bà bị chính quyền quân sự giam giữ quản thúc tới 15 năm. Trước áp lực quốc tế, bà Suu Kyi được trả tự do hồi năm 2010. Dù không một cuộc trưng cầu dân ý chính thức nào được tổ chức nhưng rất nhiều người tin tưởng đảng của bà Suu Kyi sẽ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lịch sử vào ngày mai.

Năm 1990, đảng NLD của bà Kyi giành thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử, với 80% số ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, lãnh đạo quân sự không những không công nhận kết quả mà còn quản thúc và giam giữ bà Suu Kyi. Hai năm sau khi được phóng thích, bà Kyi chính thức trở thành thành viên Hạ viện Myanmar trong cuộc bầu cử ngày 1/4/2012.

Mưa lụt lịch sử, Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp

Tổng thống Myanmar vừa ban bố tình trạng khẩn cấp tại 4 khu vực sau khi mưa lũ làm 27 người thiệt mạng, phá hủy nhiều nhà cửa và hoa màu.

Hải Anh - Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm