Myanmar đã hạ thủy thành công tàu hộ tống tàng hình 773 có thiết kế khá hiện đại. Điều này cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của công nghiệp đóng tàu quân sự nước này. Ảnh: TSAMTO |
Trung tâm Phân tích mua sắm vũ khí toàn cầu TSAMTO, Nga đưa tin, nhà máy đóng tàu Thilawa ở Rangoon, Myanmar đã hạ thủy tàu hộ tống tàng hình tự đóng. Tàu mang số hiệu 773 Tabinshwehti. Lễ hạ thủy diễn ra khá lặng lẽ với sự tham dự của một quan chức quân đội Myanmar.
Các bức ảnh về tàu hộ tống 773 cho thấy, nó có thiết kế thủy động lực học khá hiện đại. Một số chuyên gia quân sự nhận định, lớp tàu này sẽ sử dụng hệ thống vũ khí có nguồn gốc từ Nga và Trung Quốc.
Đuôi tàu có sàn đáp cho một trực thăng hạng trung. Theo kế hoạch, Hải quan Myanmar sẽ bắt đầu sử dụng tàu 773 từ năm 2016. Theo một số thông tin trên trang Asian Defence News, Myanmar tự thiết kế và đóng mới tàu. Thông tin đó cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của công nghiệp đóng tàu quân sự Myanmar.
Trước đó, Hải quân Myanmar đã hạ thủy thành công và sử dụng hai tàu hộ tống 771 Anawratha và 772 Bayinnaung. Hai tàu có chiều dài 77 mét, lượng giãn nước toàn tải khoảng 1.088 tấn. Vũ khí trên tàu gồm pháo hạm 76 mm, 4 tên lửa chống hạm C-802 do Trung Quốc sản xuất và 2 pháo 40 mm.
Tàu hộ tống tàng hình F14 có thiết kế rất hiện đại do Myanmar tự đóng và hạ thủy trong tháng 03/2014. Ảnh: Defense-studies |
Những năm gần đây, Hải quân Myanmar đã đẩy mạnh tốc độ hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hải quân, do tranh chấp chủ quyền ở vịnh Bengal với Bangladesh. Năm 2012, Tòa án quốc tế về Luật biển công nhận quyền hợp pháp của Bangladesh ở khu vực vịnh Bengal. Myanmar không hài lòng với quyết định này nên đã đẩy mạnh tốc độ hiện đại hóa hải quân nhằm duy trì quyền lực trên biển. Họ mua hai tàu khu trục nhỏ Type-053H1 từ Trung Quốc. Chúng mang tên lửa chống tàu C-802. Tháng 3/2014, Myanmar hạ thủy thành công tàu hộ tống tàng hình F14. Tháng 5/2014, nhà máy đóng tàu Thilawa đã bàn giao cho Hải quân Myanmar một số tàu phóng lôi có chiều dài 21 mét.
Hải quân Myanmar đang đàm phán với nhà sản xuất PT PAL tại Indonesia để mua tàu đổ bộ có sàn đáp cho trực thăng cỡ lớn Makassar nhằm tăng cường năng lực đổ bộ. Ngoài ra họ cũng lên kế hoạch mua tàu ngầm phi hạt nhân từ Nga hoặc Trung Quốc.