Đầu ngày 17/3, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết: "Chúng tôi đã nói rõ với chính quyền Mỹ rằng các cáo buộc trên là lố bịch và không cần phải quan tâm tới. Chúng tôi nhận được cam kết rằng những cáo buộc đó sẽ không lặp lại nữa".
Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã nói chuyện với người đồng cấp Anh về phát ngôn của Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer rằng tình báo Anh giúp đỡ ông Obama nghe lén văn phòng ông Trump trước cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Các quan chức Anh đã nổi giận và kịch liệt bác bỏ cáo buộc tình báo Anh nghe lén ông Trump "giúp" Obama. Ảnh: AFP. |
CNN dẫn lời 1 quan chức Nhà Trắng cho biết cuộc gặp của 2 cố vấn an ninh quốc gia diễn ra "thân tình" và ông McMaster nói rằng phát ngôn của thư ký báo chí Nhà Trắng là "không cố tình".
Ông McMaster cũng nói với người đồng cấp Anh rằng "các quan ngại của họ được ghi nhận và sẽ được đề đạt lên Nhà Trắng".
Một quan chức Nhà Trắng khác cho biết ông McMaster và Spicer đã đưa ra lời xin lỗi đến chính phủ Anh. Nguồn tin tình báo của tờ Telegraph (Anh) xác nhận điều này và cho biết "lời xin lỗi đến trực tiếp từ họ (ông McMaster và Spicer)".
Trước đó, trong buổi họp báo thường kỳ hôm 16/3, thư ký báo chí Nhà Trắng đã đọc một bản tin của Fox News, trong đó chuyên gia luật Andrew Napolitano đã cáo buộc cơ quan tình báo Anh GCHQ theo dõi ông Trump. Theo bản tin này, ông Obama không sử dụng các cơ quan tình báo của Mỹ như CIA và NSA mà nhờ đến GCHQ.
Theo nguồn tin của CNN, trong ngày 16/3 đã có ít nhất 2 cuộc gọi từ các quan chức Anh gọi đến để chất vấn về phát ngôn trên. Đại sứ Anh tại Mỹ cũng đã gọi điện cho ông Spicer.
CNN nhận định phản ứng cứng rắn hiếm gặp trên của chính phủ Anh cho thấy London nổi giận như thế nào trước cáo buộc nghe lén. Trừ trước chuyến thăm của Thủ tướng May đến Nhà Trắng hồi tháng 2 đến nay, chính phủ Anh luôn tránh công kích quá nặng đến chính quyền Tổng thống Donald Trump.