"Một điều Lybia đã làm giúp xóa bỏ sự nghi ngờ của chúng tôi đó là cho phép thanh sát viên của Mỹ và Anh tiếp cận tất cả các cơ sở hạt nhân của nước này", Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton trả lời CBS News hôm 30/4.
Theo ông Bolton, Lybia là một hình mẫu qua đó Triều Tiên có thể áp dụng theo để xây dựng lòng tin của cộng đồng quốc tế. Ông Bolton cho rằng điều quan trọng là hai bên cần xây dựng được lòng tin bước đầu dù chỉ là rất nhỏ.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: AFP. |
Mặc dù vậy, các chuyên gia đánh giá việc nêu ra trường hợp Lybia có thể là sai lầm trong đàm phán với Triều Tiên. Năm 2003, Lybia chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân và giải giáp kho vũ khí hủy diệt hàng loạt, đổi lấy sự chấm dứt các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Lybia Moammar Gadhafi sau đó đã bị phe nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn lật đổ và sát hạt.
Theo CNN, các nhà phân tích cho biết Triều Tiên thường xuyên đề cập trường hợp Lybia để củng cố lập luận chỉ có vũ khí hạt nhân mới giúp nước này răn đe hiệu quả Washington, đảm bảo an ninh và sự tồn vong của chính quyền Bình Nhưỡng.
Hiện ông Bolton cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo đang phụ trách việc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tổng thống Trump tuyên bố "cuộc gặp sẽ diễn ra trong 3-4 tuần tới". Địa điểm cuộc gặp hiện chưa được xác nhận.
Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhất trí hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tại hội đàm ngày 27/4. Ảnh: AFP. |
Trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã thống nhất phối hợp hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên sau cuộc hội đàm liên Triều ngày 27/4.
Triều Tiên đã từ bỏ yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc như điều kiện tiên quyết để khởi động đàm phán về vấn đề hạt nhân. Bình Nhưỡng hiện yêu cầu Washington chấm dứt các chính sách thù địch và bảo đảm an ninh để đổi lấy việc chấm dứt chương trình hạt nhân.