Gói viện trợ nâng tổng số viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine lên tới 17,5 tỷ USD kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Theo Reuters, Tổng thống Biden đã ủy quyền cho bộ trưởng Ngoại giao Mỹ "chỉ đạo việc dành ra khoản viện trợ lên tới 725 triệu USD về dịch vụ quốc phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ, cũng như đào tạo và huấn luyện quân sự" để viện trợ cho Ukraine.
Các quan chức Mỹ cho biết, mặc dù không cung cấp các khí tài đánh chặn tên lửa, gói viện trợ dự kiến được thiết kế nhằm tăng cường khả năng của Ukraine trong những tuần phản công gần đây.
Gói viện trợ sẽ được thực hiện theo Quyền Rút vốn của Tổng thống Mỹ (PDA), cho phép chuyển giao các trang thiết bị từ các kho dự trữ quân sự của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp mà không cần sự phê duyệt của quốc hội.
Gói viện trợ dự kiến được thiết kế nhằm tăng cường khả năng của Ukraine. Ảnh: New York Times. |
Trước đó, Ukraine hy vọng Mỹ và Đức sẽ cung cấp các hệ thống phòng không hiện đại trong tháng này để giúp nước này chống lại các cuộc tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga, theo Washington Post.
Đây là gói hỗ trợ theo Quyền Rút vốn của Tổng thống Mỹ (PDA) thứ hai trong năm tài chính 2023 của chính phủ Mỹ, được thực hiện theo biện pháp tài trợ tạm thời. Biện pháp này cho phép ông Biden giải ngân tới 3,7 tỷ USD vũ khí thặng dư để chuyển cho Ukraine vào tháng 12.
Nhìn chung, để tài trợ vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả hệ thống NASAMS phòng không tinh vi dự kiến được gửi đi trong tháng này, Washington đã sử dụng quỹ từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) để mua vũ khí, thay vì lấy từ kho vũ khí hiện tại.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Kyiv, cho rằng hành động này góp phần làm leo thang thêm xung đột.
Hôm 11/10, Sputnik dẫn tuyên bố của Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov khẳng định Mỹ và đồng minh đã đến gần “lằn ranh đỏ” khi cung cấp vũ khí cho Ukraine.