“Chúng tôi đang làm việc sát sao với chính phủ, cơ chế COVAX, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và UNICEF để vận chuyển số vaccine này trong tương lai gần”, Đại sứ quán Mỹ thông báo, Khmer Times đưa tin ngày 25/7.
Tháng 5, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này đã đề nghị nhận viện trợ 4 triệu liều vaccine Covid-19 và đang chờ hồi âm từ Mỹ.
Một phụ nữ ở Campuchia được tiêm chủng ngừa Covid-19. Ảnh: AFP. |
Thông báo viện trợ vaccine được Đại sứ quán Mỹ đưa ra ngày 23/7, cùng thời điểm Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên tặng vaccine cho Campuchia qua cơ chế COVAX với 322.000 liều vaccine AstraZeneca.
Nguồn cung vaccine của Campuchia tới chủ yếu từ vaccine Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc và một số nhỏ AstraZeneca từ COVAX.
Trong thời gian qua, chương trình tiêm chủng của Campuchia diễn ra không bị gián đoạn trên phạm vi khắp cả nước với tổng số gần 6,65 triệu người đã được tiêm chủng ít nhất một liều, tính đến tối 24/7, theo Khmer Times.
Con số trên chiếm 66,48% trong mục tiêu tiêm chủng cho 10 triệu người tại Campuchia. Nước này đang muốn nâng mục tiêu tiêm chủng từ 10 triệu lên 13 triệu người, bao gồm 2 triệu học sinh tuổi 12-17.
Với tốc độ tiêm chủng gần 1 triệu người mỗi tuần, Campuchia đang đạt tiến độ hoàn thành mục tiêu tiêm chủng trong năm 2021, sớm hơn nhiều so với dự kiến, đặc biệt là khi nguồn cung vaccine chủ yếu đã được đảm bảo.
Vaccine Johnson & Johnson là loạt vaccine ngừa Covid-19 tiêm một liều. Trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, vaccine này cho hiệu quả bảo vệ 66,3% trước Covid-19.
Đầu tháng 7, Johnson & Johnson thông báo trong ít nhất 8 tháng, cơ thể người được tiêm vaccine của hãng sẽ sản sinh kháng thể mạnh vô hiệu hóa mọi biến chủng Covid-19, bao gồm Delta.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ, phụ nữ dưới 50 tuổi cần đặc biệt cẩn thận với rủi ro hiếm gặp sau tiêm Johnson & Johnson là tắc nghẽn mạch máu với lượng tiểu cầu thấp.