Liều đầu tiên, 2 triệu liều vaccine Pfizer được Mỹ chuyển đến Peru vào hôm 28/6, một quan chức Nhà Trắng nói với CNN.
Cùng ngày, Mỹ cũng vận chuyển 2,5 triệu liều vaccine Moderna đến Pakistan thông qua sáng kiến COVAX.
COVAX là sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm cung cấp vaccine một cách bình đẳng cho các quốc gia, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Liên minh Toàn cầu về tiêm chủng Gavi và một số tổ chức khác đồng triển khai.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ phân phối 80 triệu liều vaccine của Mỹ cho các nước khác, với 75% chảy qua cơ chế COVAX và phần còn lại được chuyển tới các quốc gia đang đối phó với đỉnh dịch, cũng như các nước láng giềng Tây Bán cầu và một số khu vực ưu tiên khác.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNN. |
Con số chính xác về số lượng vaccine mà Mỹ đã viện trợ cho đến nay chưa được đưa ra. Tuy nhiên, theo nguồn tin của CNN, chính quyền Mỹ "đang làm việc trong giai đoạn cuối cùng để loại bỏ những rào cản hoạt động, quy định, pháp lý trong nước nhằm chia sẻ từng chút theo cam kết 80 triệu liều vaccine".
"Mỹ sẽ là 'kho vaccine' trong cuộc chiến chống lại Covid-19, tương tự Mỹ là kho vũ khí của các nền dân chủ trong Thế chiến 2", Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố vào đầu tháng 6.
Ông nhấn mạnh rằng các khoản tài trợ vaccine không đi kèm bất kỳ ràng buộc nào, nhằm phân biệt với chính sách ngoại giao vaccine mà các nước như Trung Quốc theo đuổi.
Trước đó, Mỹ từng công bố về kế hoạch phân phối vaccine trong tháng 6. Việt Nam nằm trong những nước sẽ được Mỹ gửi vaccine Covid-19 trong cả hai đợt.
Cụ thể, theo kế hoạch phân phối 25 triệu liều vaccine mà Mỹ công bố ngày 3/6, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia/vùng lãnh thổ tại châu Á sẽ nhận được 7 triệu liều vaccine thông qua chương trình COVAX.
Với kế hoạch tặng 55 triệu liều vaccine thông báo ngày 21/6, thông qua chương trình COVAX, Việt Nam cùng nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ khác tại châu Á tiếp tục nhận thêm 16 triệu liều vaccine do Mỹ chia sẻ.