Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Keith Krach. Quan chức cấp cao nhất bên phía chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) là ông Trần Chính Kỳ, phó lãnh đạo cơ quan chuyên trách các vấn đề kinh tế.
Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa các bên trong khung đối thoại kinh tế mới. Đại diện Mỹ và Đài Loan đã ký kết bản ghi nhớ có hiệu lực 5 năm, theo Guardian.
Họp báo cong bố Đối thoại Đối tác Thịnh vượng Kinh tế Mỹ - Đài Loan ngày 20/11 tại Đài Bắc. Ảnh: CNA. |
Các bên thành lập nhiều nhóm làm việc tập trung vào các vấn đề như: an ninh y tế toàn cầu, khoa học và công nghệ, 5G và an ninh viễn thông, chuỗi cung ứng, trao quyền kinh tế cho nữ giới, hợp tác cơ sở hạ tầng và đầu tư.
Đối thoại nhấn mạnh và tiềm năng hợp tác giữa Mỹ và Đài Loan trong nghiên cứu và phát triển y tế, ưu tiên sự tham gia của Đài Loan trong chuỗi cung ứng vật liệu bán dẫn. Bản ghi nhớ không tạo ra ràng buộc pháp lý về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.
Đại diện của Mỹ và Đài Loan ngày 21/11 không tiết lộ chi tiết về cam kết giữa các bên trong thời gian tới, chủ yếu bày tỏ kỳ vọng duy trì quan hệ trong tương lai. Phía Đài Loan hy vọng đối thoại sẽ tiến đến kết quả thực chất, điển hình là một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ.
Natasha Kassam, nhà nghiên cứu tại Viện Lowy, không quá bất ngờ khi cuộc gặp lần này không đạt nhiều tiến triển về đàm phán thương mại.
Tuy nhiên, "riêng tính biểu tượng từ đối thoại kinh tế và kết quả là biên bản ghi nhớ cũng đủ giá trị" đối với chính quyền Đài Bắc. Kassam đánh giá đây là tín hiệu gửi đến Bắc Kinh rằng "sự ủng hộ từ Mỹ dành cho Đài Loan tiếp tục tăng".
Cuộc gặp diễn ra giữa bối cảnh quan hệ Trung Quốc đại lục với hòn đảo vẫn còn nhiều căng thẳng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 20/11 cảnh báo Mỹ cần "nhận thức đầy đủ tính nhạy cảm trong vấn đề Đài Loan".
Ông Triệu Lập Kiên đề nghị Washington dừng mọi quan hệ và giao thiệp chính thức với hòn đảo.