Trợ lý đại diện thương mại Mỹ Terry McCartin và Yang Jen-ni, Phó đại diện thương mại thuộc Phòng đàm phán thương mại Đài Loan, đã trao đổi về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, và chuỗi cung ứng, Nikkei Asia đưa tin ngày 1/7.
Nội dung cuộc họp đề cập tới cách đơn giản hóa xuất nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19.
“Đài Loan và Mỹ có thể hy vọng đạt được mối quan hệ kinh tế thân thiết qua năm sau”, Trưởng đàm phán thương mại của Đài Loan Deng Chun-ching nhận định.
Người trên đảo Đài Loan biểu tình phản đối thịt lợn có chất tạo nạc của Mỹ vào ngày 22/11/2020. Ảnh: Reuters. |
Nhà lãnh đạo hòn đảo Thái Anh Văn mô tả cuộc gặp hôm 30/6 là “bước quan trọng” trong thương mại song phương. Nhưng hai bên dường như chưa có hành động cụ thể nào để hướng tới thỏa thuận thương mại tự do.
Năm 1994, Mỹ và đảo Đài Loan từng ký Thỏa thuận khung về thương mại và đầu tư (TIFA) để làm tiền đề cho thỏa thuận thương mại tự do.
Nhưng các cuộc trao đổi trì hoãn trong 27 năm, chủ yếu do hòn đảo không cho phép nhập khẩu thịt lợn Mỹ có chứa chất tạo nạc “ractopamine”.
Năm 2010, Mã Anh Cửu, cựu lãnh đạo hòn đảo, ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đại lục có tên Thỏa thuận khung về hợp tác kinh tế.
Thương mại giữa 2 bờ bùng nổ trong những năm sau. Mỹ ngừng tổ chức đối thoại với hòn đảo trong khuôn khổ TIFA vào năm 2016.
Lúc này, 2 bên quay trở lại bàn đàm phán trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn quan hệ hợp tác thân thiết với Đài Bắc để gây áp lực với Bắc Kinh.
Đảo Đài Loan cũng nhượng bộ bằng cách gỡ bỏ hầu hết lệnh cấm với thịt lợn chứa chất tạo nạc vào tháng 1.
Tuy nhiên, con đường để hai bên đạt thỏa thuận thương mại mới còn nhiều vật cản.
Từ trước đến nay, Mỹ vẫn do dự ký thỏa thuận thương mại tự do vì có thể vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ công nhân - những người ủng hộ đảng Dân chủ. Ông Biden là thành viên đảng Dân chủ.
Người dân trên đảo Đài Loan cũng có cái nhìn không thiện cảm với thịt lợn Mỹ.
Đến tháng 8, hòn đảo sẽ trưng cầu dân ý về việc có tiếp tục cho phép nhập khẩu mặt hàng này hay không. Kết quả cuộc bỏ phiếu có thể ngăn cản các cuộc đối thoại tương lai với Mỹ.