Trong bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) ngày 12/7, bà Harris thông báo Mỹ sẽ hỗ trợ 600 triệu USD cho khu vực này.
Bên cạnh đó, Washington sẽ mở hai đại sứ quán ở Tonga và Kiribati, cũng như lần đầu bổ nhiệm một đặc phái viên phụ trách khu vực Thái Bình Dương, theo AFP.
Phó tổng thống Mỹ cảm ơn Tổng thống Fiji Voreqe Bainimarama đã mời bà phát biểu tại PIF và cho biết Mỹ đã sẵn sàng "bắt tay vào một chương mới" ở Thái Bình Dương.
Bà Harris nói rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden thừa nhận Mỹ đã không dành đủ sự quan tâm cho khu vực trong quá khứ. "Chúng tôi sẽ thay đổi điều này", bà nói, nhấn mạnh Mỹ muốn "tăng cường hiện diện đáng kể" tại khu vực Thái Bình Dương.
Phó tổng thống cho biết Mỹ muốn hợp tác trong an ninh hàng hải, cứu trợ thiên tai và các dự án cơ sở hạ tầng.
Bà Kamala Harris phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương ở Fiji ngày 12/7. Ảnh: SBS News. |
Thủ tướng Tonga Siaosi Sovaleni hoan nghênh việc Mỹ sẽ mở đại sứ quán tại nước này, nói rằng "đây là cột mốc lớn".
Tuyên bố của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực Thái Bình Dương, khi một số quốc gia phương Tây lo ngại rằng Trung Quốc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Hồi tháng 4, Trung Quốc đã ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon ở Thái Bình Dương. Việc này khiến Mỹ và đồng minh trong khu vực lo ngại Bắc Kinh có thể đặt căn cứ quân sự tại Solomon, dù Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare phủ nhận mối lo này.