Theo Nikkei Asian Review, trong thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành khắp thế giới, các quốc gia cạnh tranh dữ dội để mua được vaccine Covid-19 ngay khi sản phẩm có mặt trên thị trường. Các nước giàu như Trung Quốc và Mỹ đầu tư nhiều tỷ USD để đảm bảo nguồn cung vaccine.
Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang ngày đêm làm việc với hơn 150 loại vaccine tiềm năng, trong đó có 26 loại đang được thử nghiệm trên người. Một loại vaccine an toàn và hiệu quả là liều thuốc quan trọng để giải cứu nền kinh tế toàn cầu đang ốm yếu vì dịch bệnh.
Ngày 31/7, hai hãng dược Pfizer và BioNTech tại Mỹ công bố thỏa thuận cung cấp 120 triệu liều vaccine thử nghiệm cho Nhật Bản trong nửa đầu năm 2021. Số lượng này đủ dùng cho 60 triệu người, mỗi người 2 liều. Loại vaccine này đã nhận được chỉ định theo dõi nhanh của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Pfizer và BioNTech có kế hoạch xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này sớm nhất là vào tháng 10 tới. Chính phủ Nhật Bản cũng đang thỏa thuận để mua thêm 100 triệu liều vaccine do hãng dược phẩm Anh AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển.
Hơn 150 loại vaccine chống Covid-19 đang được nghiên cứu. Ảnh: Getty Images. |
Cuộc đua quyết liệt
Tại Nhật Bản, startup dược phẩm sinh học AnGes bắt tay với Đại học Osaka phát triển một loại vaccine. Hãng đặt mục tiêu cung cấp vaccine cho 1 triệu người vào mùa xuân năm 2021. Trong khi đó, hãng dược Shionogi nhắm sản xuất đủ vaccine cho 30 triệu người vào mùa thu năm 2021.
Tuy nhiên, các hãng dược tại Nhật Bản không thể đáp ứng 100% nhu cầu trong nước. Do đó, cách duy nhất để chính phủ Nhật Bản xoay xở là tìm mua hàng từ các công ty nước ngoài. Tokyo thông qua ngân sách bổ sung lần hai năm 2020 với quy mô 10.000 tỷ yen (94 tỷ USD) để ứng phó với đại dịch.
Trong đó, khoảng 2.000 tỷ yen sẽ được dùng để nâng cao năng lực đáp ứng y tế quốc gia, bao gồm việc mua vaccine. Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu đã đi trước Nhật Bản một bước. Chính phủ Mỹ ký thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD với hai hãng dược Sanofi và GlaxoSmithKline (GSK) để hỗ trợ các cuộc thử nghiệm lâm sàng nhằm đảm bảo mua được 100 triệu liều vaccine.
Chính quyền Washington cũng đã chi hơn 10 tỷ USD để đặt mua các loại vaccine Covid-19 đang được phát triển. Tính đến nay, nước này đã đặt mua hơn 1,5 tỷ liều vaccine, gấp 7 lần so với Nhật.
Trong khi đó, Anh cũng chi mạnh tay để đặt mua 250 triệu vaccine đang được phát triển, gấp 4 lần dân số nước này. Mỹ và một số quốc gia châu Âu đặt mua số lượng vaccine nhiều hơn so với dân số bởi không chắc vaccine sẽ mang lại hiệu quả. Một số loại vaccine cũng cần phải tiêm nhiều liều mới có tác dụng.
Số liều vaccine được các quốc gia đặt trước. Số liệu của Nhật Bản không bao gồm nguồn cung dự kiến của các nhà sản xuất trong nước. Nguồn: Nikkei. |
Bộ trưởng Kinh doanh Anh Alok Sharma gần đây chia sẻ trên Twitter: “Điều quan trọng là tiếp cận được sớm với nhiều loại vaccine khác nhau để tăng cơ hội tìm ra loại mang lại hiệu quả”. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga cũng có chiến lược riêng trong cuộc đua vaccine.
Trung Quốc đang hỗ trợ các công ty dược phẩm nội địa như CanSino Biologics. Còn Nga đang chạy đua để có được vaccine chống dịch Covid-19 trước so với các nước phương Tây.
Theo truyền thông Nga, nhà chức trách nước này được kỳ vọng sẽ thông qua loại vaccine do Viện Gamaleya của Moscow và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga phát triển vào giữa tháng 8 để tiêm chủng mở rộng. Hiện chưa có thông tin chi tiết về các cuộc thử nghiệm lâm sàng với loại vaccine này.
Các nước đang phát triển xếp hàng cuối
Trong khi đó, các nước đang phát triển đang bị bỏ lại phía sau. Theo giới phân tích, những quốc gia này có thể sẽ khó tìm mua được vaccine với mức giá phù hợp khi mà các nước giàu đang sẵn sàng trả 20-50 USD/liều. Mức giá này khiến việc mua số lượng lớn vaccine chống Covid-19 vượt ngoài ngân sách của hầu hết quốc gia châu Phi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất giảm giá cho các nước đang phát triển, nhưng quan điểm này vấp phải nhiều hoài nghi. Câu hỏi quan trọng là ai sẽ trợ cấp cho những liều vaccine được bán với mức giá ưu đãi. Việc tự sản xuất vaccine là điều không khả thi tại các nước nghèo.
Trên thực tế, không nhiều quốc gia đủ năng lực nghiên cứu hay có các công ty đủ khả năng sản xuất vaccine. Bởi vậy, dù có được quyền sử dụng sáng chế vaccine, các nước này cũng không thể tự sản xuất.
Do đó, giới chuyên gia nhận định các cam kết hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối vaccine công bằng trên toàn cầu. Một số tổ chức thế giới đang hoạt động tích cực để đảm bảo vaccine được phân phối công bằng.
CEPI - liên minh hợp tác giữa các tổ chức công, tư, từ thiện và dân sự để hỗ trợ việc phát triển vaccine chống các bệnh truyền nhiễm mới - cam kết sẽ đảm bảo các quốc gia trên thế giới được “tiếp cận một cách công bằng” với vaccine Covid-19. Liên minh này hỗ trợ nghiên cứu nhiều loại vaccine khác nhau, trong đó có vaccine do Moderna phát triển và sản phẩm do GSK phối hợp cùng Sanofi nghiên cứu.
Các nước nghèo và đang phát triển, đặc biệt ở châu Phi, có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua giành vaccine Covid-19. Ảnh: BBC. |
Hiện tại, có 6 loại vaccine được đưa vào thử nghiệm giai đoạn 3 trên người. Các loại vaccine phải chứng minh hiệu quả nhận diện và vô hiệu hoá virus nCoV thông qua số liệu thống kê. Đến nay, chưa có loại nào làm được. Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và WTO đã hạ các tiêu chí về tính hiệu quả từ tỷ lệ thành công 80-90% xuống 50%.
Điều này có nghĩa là vaccine có thể chỉ hiệu quả với một nửa số người được tiêm. Để xác định tính hiệu quả của một loại vaccine mới thường cần khoảng 6 tháng đến một năm, nhưng các công ty đang chạy đua để rút ngắn quy trình này xuống còn vài tháng.
Trong khi một số người cho rằng nên dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu về tác dụng phụ và những vấn đề toàn khác của vaccine, một số khác lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển một loại vaccine hiệu quả nhằm xoa dịu lo lắng của cộng đồng trước đại dịch chưa từng có như Covid-19.